Tin tức Tuyển sinh


Thiếu dự báo, học sinh chọn ngành chưa đúng

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

Thiếu dự báo, học sinh chọn ngành chưa đúng
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đăng ký tìm việc tại ngày hội việc làm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thừa nhân lực, nhiều chỉ tiêu đào tạo
 
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, trong những năm tới nhiều địa phương không có nhu cầu tuyển giáo viên, song hằng năm nhiều tỉnh có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giáo viên ra trường. Chẳng hạn tại Nghệ An, mỗi năm ngành giáo dục tỉnh chỉ tuyển vài ba chỉ tiêu và dự báo từ nay đến năm 2015 bổ sung rất ít nhân sự. Thế nhưng, chỉ riêng 2 trường: CĐ Sư phạm Nghệ An và ĐH Vinh của tỉnh, hằng năm cho ra trường hơn 1.000 giáo viên. Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, thông tin: “Có chăng, ngành cũng chỉ tuyển một số ít giáo viên tin học, mỹ thuật vì nhân sự các môn này còn thiếu”.
 
Tương tự, theo dự báo của nhiều chuyên gia, các ngành thuộc khối kinh tế đang thừa nhân lực. Tuy nhiên, số lượng thí sinh dự thi vào các ngành này đều tăng. Chính vì thế hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều mở những ngành này và xem là thế mạnh để tuyển được thí sinh. Các trường ĐH công lập trước đây chỉ đào tạo những nghề đặc thù, nay cũng phải mở thêm những ngành liên quan đến kế toán - tài chính để thu hút thí sinh.
 
Tiến sĩ Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Xét ở toàn bộ xã hội, nhu cầu nhân sự của các ngân hàng là có giới hạn nhưng số lượng người học lại quá lớn gây nên sự mất cân đối nghiêm trọng. Nếu như có được dự báo về ngành học này cần bao nhiêu lao động trong thời gian tới và các trường đào tạo phù hợp với nhu cầu đó thì sinh viên sẽ không lo thất nghiệp”. Theo khảo sát cung - cầu của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính và Hay Group, trong năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng các tổ chức tài chính, ngân hàng chỉ cần tuyển dụng khoảng 20.000 người.
 
Thông tin dự báo chưa chuyên nghiệp
 
Từ trước đến nay các trường xác định chỉ tiêu đều dựa vào những tiêu chí: số học sinh, sinh viên chính quy/giáo viên, giảng viên quy đổi; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo. Như vậy, việc cấp chỉ tiêu đào tạo chưa hề dựa trên yếu tố dự báo hoặc nhu cầu nhân lực xã hội.
 
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng thừa nhận: “Thực chất, các trường sư phạm hiện cũng chỉ đào tạo căn cứ vào chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Các trường đào tạo đa ngành cũng vậy, chỉ đào tạo theo chỉ tiêu cho phép, còn việc nhu cầu nhân lực thế nào ít ai quan tâm”. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, phải làm trái nghề, hoặc chấp nhận học lại ngành khác.
 
Ông Hồng cho biết ở nhiều nước phát triển, trung tâm dự báo nguồn nhân lực hoạt động hiệu quả, khoa học, góp phần định hướng, dự báo nguồn nhân lực từ 5, 10 hoặc thậm chí 20 năm. Tại Việt Nam hiện có 2 đơn vị làm công tác này: Trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) và Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM). Nhưng thông tin của 2 trung tâm này chưa thực sự có tính tổng quát, rộng khắp ở nhiều lĩnh vực ngành nghề trong xã hội.
 
Trung tâm dự báo quốc gia thường chỉ mua lại thông tin từ tổ chức nước ngoài để đưa ra dự báo. Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết một trong những nguyên nhân khiến việc dự báo chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì thiếu nhân lực. Hiện tại trung tâm có 46 người nhưng chưa thấm vào đâu so với việc điều tra nhu cầu nhân lực của khoảng 50.000 doanh nghiệp tại TP.HCM để đưa ra các dự báo. Vì thế mỗi năm, trung tâm cũng chỉ điều tra được 10.000 lượt doanh nghiệp.
 

Ý kiến

Còn rất phiến diện

Công tác dự báo nguồn nhân lực ở nước ta còn rất phiến diện, chỉ dựa trên một số mẫu dữ liệu nên không thể phản ánh chính xác tổng thể thị trường lao động trong hiện tại cũng như định hướng tương lai. Mặt khác, việc hướng nghiệp hiện chỉ làm phần ngọn. Lẽ ra, cần định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp 2 nhằm giúp các em có sự tìm hiểu, hình dung cụ thể về nghề nghiệp. Suốt bao năm nay, chúng ta chủ yếu làm công tác định hướng khi học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa ĐH. Vì vậy, rất nhiều em thiếu sự chuẩn bị, chưa hiểu gì về công việc, dẫn đến tâm lý phổ biến là chọn những ngành dễ đậu để đi thi.

Nguyễn Văn Sang - Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM

Tìm hiểu nhu cầu thị trường trước khi đào tạo

Sinh viên tiêu tốn 4 năm tuổi trẻ cộng với khoản tiền lớn bỏ ra nhưng đến khi ra trường lại không đạt chuẩn như doanh nghiệp mong muốn. Doanh nghiệp muốn sử dụng thì phải đào tạo lại. Như vậy, cùng một việc đào tạo mà phải làm ít nhất 2 lần, lãng phí rất nhiều thời gian, công sức cho các bên liên quan. Để công tác dự báo nguồn nhân lực hiệu quả, đòi hỏi cả một chuỗi gắn kết với nhau: Trước khi đào tạo phải tìm hiểu nhu cầu thị trường, của doanh nghiệp và xã hội; chương trình đào tạo phù hợp; xem xét sau khi sinh viên ra trường có đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay không; xóa bỏ định kiến phân biệt về những loại nghề nghiệp...

Đặng Trần Cẩm Vân - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ V.E.V

Hướng nghiệp phù hợp với chính sách phát triển

Tâm lý đám đông chạy theo những ngành nghề, công việc mang tính lợi nhuận cao khiến công tác dự báo dễ bị sai lệch. Khi thấy nhiều trường mở ồ ạt các ngành như vậy, những người làm trong những cơ quan dự báo của nhà nước phải cảnh báo và chủ động định hướng nghề nghiệp cho phù hợp với chính sách phát triển chung. Nếu người dân chưa quan tâm một số ngành nghề, lĩnh vực nào đó thì nhà nước phải chủ động đầu tư để thay đổi, thu hút sự chú ý của xã hội. Làm sao để việc dự báo góp phần quan trọng vào sự phát triển cân đối, hài hòa của đất nước.

Thạc sĩ Trần Minh Trọng - Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực - Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp

Như Lịch (ghi)

 

 

Minh Luân - Mỹ Quyên

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.