Tin tức Tuyển sinh


Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009: Hồ sơ đăng ký dự thi giảm

edf40wrjww2ARTICLE:ARTICLE_CONTENT

(Nguồn từ tuổi trẻ online, ngày 14-05-09)- Đó là thông báo chính thức từ Bộ GD-ĐT sau khi thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2009 đã được bàn giao về cho các trường ĐH, CĐ.
Trên cơ sở đó, ông Ngô Kim Khôi , phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, đánh giá: tỉ lệ hồ sơ “ảo” năm nay giảm đáng kể, tuy số lượng ĐKDT vào một số trường có biến động nhưng điểm trúng tuyển sẽ không có sự dao động lớn. Ông Khôi cho biết:
- Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cập nhật đến sáng 13-5, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 cả nước có hơn 2,12 triệu hồ sơ ĐKDT. Trong đó, hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH hơn 1,56 triệu (chiếm 73,5%), số còn lại là hồ sơ ĐKDT vào CĐ. Nếu tính theo khối ngành đào tạo thì năm nay dẫn đầu về số lượng ĐKDT vẫn là kinh tế - quản trị kinh doanh, tiếp đó là kỹ thuật - công nghệ. So với năm trước, năm nay hồ sơ ĐKDT khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng.

Giảm 3%

So với năm 2008, tổng số lượng hồ sơ ĐKDT của năm nay giảm 3%. Liên tục bảy năm gần đây, số lượng hồ sơ ĐKDT của kỳ thi tuyển sinh năm sau đều tăng so với năm trước, đây là lần đầu tiên hồ sơ giảm.

Hồ sơ ĐKDT phân theo khối ngành:

- Khối ngành quản trị kinh doanh: 814.072 hồ sơ, chiếm 38%. Trong đó số lượng hồ sơ ĐKDT ngành quản trị kinh doanh nhiều nhất, tiếp đến là kế toán và tài chính - ngân hàng, ít hồ sơ nhất trong khối ngành này là ngành kinh tế.

- Khối ngành kỹ thuật - công nghệ: 32%.

- Khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp: 5%.

- Nhóm ngành công nghệ thông tin: 5%.

- Các nhóm ngành khác: 20%.

Hồ sơ ĐKDT ĐH phân theo khối thi: khối A chiếm 52%, khối B: 20%, khối C: 8%, khối D: 15% và các khối khác là 5%.


* Theo ông, vì sao vậy?
- Trước hết rõ ràng năm nay thí sinh đã có sự cân nhắc, thận trọng hơn khi nộp hồ sơ ĐKDT. Điều này không chỉ phản ánh qua con số cụ thể mà đó còn là đánh giá của cán bộ làm công tác tuyển sinh của nhiều sở GD-ĐT.
Thứ hai, điều đó còn thể hiện tác dụng của giải pháp “ba chung” sau bảy năm thực hiện đã có tác động đến phụ huynh và thí sinh, tạo ra sự thay đổi trong việc phân luồng. Nhiều thí sinh và phụ huynh đã không coi ĐH là con đường học tập duy nhất. Đồng thời, còn do Bộ GD-ĐT và các trường ngày càng đẩy mạnh phương thức đào tạo liên thông, nhiều thí sinh có thể lựa chọn con đường học tập bắt đầu từ trình độ đào tạo phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của bản thân.
Bên cạnh đó, phải đánh giá cao công tác thông tin tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm nay đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng, kịp thời trên phạm vi rộng rãi hơn. Hiệu quả của công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do các cơ quan báo chí và các sở GD-ĐT, các trường THPT thực hiện đã có tác động tích cực đến thí sinh trong việc chọn trường.
Ngoài ra, một tỉ lệ thí sinh chưa trúng tuyển năm trước cũng có sự cân nhắc thận trọng hơn khi ĐKDT vì đề thi năm nay sẽ ra theo chương trình THPT phân ban mới. Vì vậy, có thể nhiều thí sinh tự do đã chọn trường nghề, trường TCCN...
* Tổng số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm nhưng tỉ lệ hồ sơ “ảo” có thật sự giảm không?
- Số lượng hồ sơ “ảo” năm nay sẽ giảm. Năm nay, thống kê cho thấy mỗi thí sinh nộp ít hồ sơ hơn. Ví dụ như ở Hà Nội, thí sinh chỉ nộp hai hồ sơ so với 2,4 hồ sơ của năm trước...
Tuy nhiên có một số trường nhận được số lượng ĐKDT tăng cao so với năm trước. Đó là các trường ĐH nằm trong tốp giữa, các trường đóng tại địa phương. Các trường tốp giữa thu hút thí sinh chủ yếu là do mức điểm trúng tuyển không quá cao, đào tạo đa ngành và đa cấp. Còn các trường địa phương năm nay có lượng ĐKDT cao do nhiều thí sinh lựa chọn trường phù hợp với điều kiện, khả năng kinh tế của bản thân và gia đình.
Theo tôi, con số ĐKDT của các trường tốp giữa và các trường địa phương năm nay phản ánh khá chính xác xu hướng chọn trường ngày càng thực tế hơn của thí sinh chứ không phải đơn thuần là những con số tăng “ảo”.
Kinh nghiệm từ mọi năm cho thấy tỉ lệ dự thi thực tế của các trường khá phân hóa và thay đổi hằng năm, không hẳn đã tương ứng với số lượng ĐKDT. Theo tôi, với số lượng ĐKDT tăng đáng kể, chắc chắn nguồn tuyển của các trường tốp giữa, các trường địa phương dồi dào hơn nên điểm trúng tuyển của những trường này cũng sẽ có sự dao động tăng so với năm trước. Nhưng mức tăng sẽ không quá lớn vì điểm chuẩn chủ yếu phụ thuộc chất lượng dự thi đầu vào, kết quả thi của thí sinh, đề thi năm nay...

Chỉnh sửa lần cuối trước khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sáng 14-4 - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Vậy theo ông, sau khi đã biết số lượng hồ sơ ĐKDT của từng trường, từng ngành, thí sinh có nên chọn trường dự thi căn cứ theo tỉ lệ “chọi”?
- Thí sinh không nên quá lo lắng trước số lượng ĐKDT quá lớn của một trường nào đó, tỉ lệ “chọi” thực tế phải dựa trên số lượng thí sinh đến dự thi. Nhìn chung, tỉ lệ dự thi bình quân của các trường những năm gần đây khoảng 70-75%, trong đó có những trường chỉ ở mức 50% số thí sinh đến dự thi so với ĐKDT.
Thí sinh cũng không nên quyết định chọn trường, chọn ngành dự thi dựa trên tỉ lệ “chọi”, không thể lấy đó làm điều kiện tiên quyết để chọn trường. Nên căn cứ trên điểm chuẩn trúng tuyển của trường những năm trước và năng lực, sức học thực tế của bản thân. 
                                                                                                                                                                 
                                                                                                                                                    THANH HÀ

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.