Các phương án điểm sàn đem ra thảo luận gồm hoặc giữ nguyên điểm sàn như năm 2011 (khối A, D: 13 điểm; khối B, C: 14 điểm), hoặc tăng đều điểm sàn ở mỗi khối thêm 0,5 điểm và phương án thứ 3 là giữ nguyên điểm sàn khối A, B như năm 2011, tăng 0,5 điểm đối với khối C,D.
Theo số liệu thống kê của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), với mức điểm sàn khối A là 13 thì có 110.000 thí sinh trúng tuyển NV 1. Còn 38.000 chỉ tiêu dành cho các nguyện vọng tiếp theo. Trong đó, số thí sinh có mức điểm đủ điều kiện xét là 66.500. Như vậy, so với chỉ tiêu còn thiếu thì số dư gấp 1,8 lần. Tỷ lệ này đã cao hơn năm 2011 là 1,6, do đó nguồn tuyển sẽ nhiều hơn. Đối với khối A1 nếu ấn đinh là 13 thì thiếu khoảng 10.000 chỉ tiêu nhưng các trường có thể tuyển bổ sung từ nguồn của khối A.
Khối B, nếu mức điểm sàn là 14 thì có 29.500 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 5.800, trong khi số dư lên tới 60.000. Đây là khối thi có hệ số cao nhất 1/11. Tuy nhiên, ở khối thi này có nhiều thí sinh ảo nên hệ số này đảm bảo để các trường không thiếu nguồn tuyển.
Đối với khối C lấy ở mức 14 điểm như năm 2011 thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 19.500. Số chỉ tiêu còn thiếu là 4.500, trong khi số dư là 16.500 gấp 3,6 lần. Vì vậy nếu tăng mức điểm sàn lên 14,5 thì số dư là 13.700, so với số chỉ tiêu còn thiếu vẫn gấp 2,7 lần.
Khối D1, với dự kiến mức điểm sàn là 13,5, tăng hơn năm 2011 0,5 điểm thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 45.000. Số thí sinh còn dư gấp 2,9 lần chỉ tiêu.
Từ số liệu phân tích này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng phương án điểm sàn khối A, A1: 13; khối B: 14; khối C: 14,5 và khối D 13,5 điểm là có chiều hướng khả thi nhất. Với phương án này sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thì năm nay Hội đồng điểm sàn sẽ không xảy ra việc tranh cãi nhiều. Việc quyết định sẽ không khó khăn như năm trước. Nếu năm trước điểm sàn được dự kiến sát ngưỡng chỉ tiêu khiến hội đồng phải cân nhắc kỹ, thì năm nay với mức sàn dự kiến, số dư (thí sinh)/số thiếu (chỉ tiêu) đều đủ cho các trường lựa chọn.
Tuy nhiên, theo thông lệ hàng năm thì mức việc quy định mức điểm sàn không có nhiều ý nghĩa đối với các trường công lập bởi phần lớn các trường đều có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay ở NV1. Trong trường hợp muốn nâng cao chất lượng đầu vào thì có thể tuyển một số chỉ tiêu không đáng kể ở NV kế tiếp. Khó khăn nhất vẫn dồn về các trường ngoài công lập. Chính vì rào cản điểm sàn mà nhiều năm nay không ít các trường ngoài công lập vẫn kêu khó trong khâu tuyển sinh.
Một chuyên gia tuyển sinh đánh giá, với việc phổ điểm trung bình năm 2012 được tăng lên đồng nghĩa với việc số thí sinh đạt mức điểm trên sàn nhiều hơn nếu vẫn ấn định trong phạm vi từ 13-15. Như vậy cơ hội dành cho các trường ngoài công lập là rất lớn bởi năm nay Bộ GD-ĐT không khống chế thời gian xét tuyển các NV kế tiếp mà cho kéo dài đến cuối tháng 12/2012. Tuy nhiên cách làm này của Bộ GD-ĐT cũng hướng đến mục tiêu thanh lọc các trường kém chất lượng nên không hút được thí sinh.
“Khi các trường ngoài công lập không còn kêu ca về nguồn tuyển thì vấn đề còn lại là thí sinh có lựa chọn để vào học đơn vị nào. Hiện nay nhận thức của thí sinh đã khác trước. Nếu trường nào đó đào tạo không tốt, chất lượng không được xã hội thừa nhận thì chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn đầu đơn xét tuyển mà sẵn sàng chờ đợi để năm sau dự thi lại” - chuyên gia tuyển sinh này nhấn mạnh.
Đúng 8h sáng nay, Hội đồng điểm sàn quốc gia làm thảo luận. Dự kiến khoảng 11h trưa sẽ có quyết định cuối cùng. Dân trí sẽ cập nhật thông tin điểm sàn năm 2012 sau khi có kết luận chính thức từ Hội đồng điểm sàn. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, các trường sẽ đồng loạt công bố điểm chuẩn chính thức vào trường.
S.H