Cuối tháng 7, khi nhiều trường ĐH hồ hởi công bố “mặt bằng điểm thi rất cao” thì có thí sinh lại... bất ngờ với điểm thi của chính mình. Số thí sinh này không hiểu sao điểm thi ĐH của mình lại cao hơn so với thực tế làm bài. Tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đã đối chiếu và ghi nhận hơn 400 thí sinh tại bốn trường ĐH có điểm thi ĐH cao hơn điểm của cùng môn thi tốt nghiệp THPT từ một môn thi trở lên.
Gấp đôi điểm tốt nghiệp
Đối chiếu điểm giữa hai kỳ thi của cùng một thí sinh, chúng tôi nhận thấy lượng điểm chênh lệch nghiêng về kỳ thi ĐH thường rơi vào những môn thi tự luận. Cụ thể như môn thi ngữ văn (khối C, D) và lịch sử, địa lý (khối C). Trong khi đó, điểm thi môn trắc nghiệm như tiếng Anh hầu như không có hiện tượng này.
Có ít nhất 150 thí sinh dự thi vào Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có điểm thi cao hơn điểm thi tốt nghiệp. Trong ảnh: thí sinh dự thi vào trường trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 - Ảnh: Phước Tuần
Tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), theo đối chiếu của chúng tôi, 126 thí sinh có điểm thi các môn ngữ văn, địa lý cao hơn từ 0,25-3,5 điểm so với điểm những thí sinh này đạt được ở cùng môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tiêu biểu cho sự đột biến về điểm số này là thí sinh Đ.T.K.L. (Bà Rịa - Vũng Tàu) khi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn được 5,0 điểm, còn điểm thi ĐH môn này đạt đến 8,5. Một số thí sinh khác có điểm thi môn ngữ văn ĐH so với điểm thi tốt nghiệp THPT là 8/5; 7,25/4,5; 8/5,5...
Cũng qua đối chiếu ngẫu nhiên, điểm thi tuyển sinh ĐH của 79 thí sinh thi vào Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT ở cùng môn thi 0,25-2 điểm. Trong đó có thí sinh thi tuyển sinh ĐH môn địa lý đạt 8 điểm nhưng điểm thi môn này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT là 6. Thí sinh khác có tỉ lệ tương ứng là 7,5/5,5 điểm. Trường ĐH Hồng Bàng cũng có 49 thí sinh (trong tổng số khoảng 200 thí sinh được đối chiếu) rơi vào trường hợp tương tự ở môn ngữ văn và địa lý. Đáng chú ý, có thí sinh dự thi môn văn (khối D) đạt 8 điểm nhưng điểm môn này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT là 5 điểm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Sẽ kiểm tra những bài thi bất thường Trao đổi với PV sáng 5/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sau khi các trường ĐH, CĐ công bố điểm thi tuyển sinh, bộ sẽ kiểm tra và chấm lại những bài thi bất thường. Ông Ga nói: “Khi điểm thi tập hợp hết về Bộ GD-ĐT, bộ sẽ so sánh và biết ngay thí sinh nào có điểm thi bất bình thường. Chẳng hạn một thí sinh có hai môn thi điểm rất thấp nhưng môn còn lại điểm cao vọt lên sẽ chấm lại. Những trường hợp này bộ sẽ yêu cầu trường gửi bài thi ra hoặc thanh tra sẽ đến trường chấm lại. Trường chấm xong rồi, thanh tra chấm lại, nếu không đúng vẫn xử lý bình thường, chứ không phải đậu vào trường là xong”. |
Tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có 150 thí sinh có điểm thi ĐH môn văn, lịch sử, địa lý cao hơn điểm thi môn tương ứng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay 0,25-3,75. Điểm thi tuyển sinh ĐH so với điểm cùng môn thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT của một số thí sinh như sau: N.T.N.H. (Tiền Giang) 7,25/4,5 (lịch sử); T.T.H.Đ. 9,25/7,0 (địa lý); D.T.H. 7,75/4 (địa lý). Cá biệt có thí sinh đạt tổng điểm tuyển sinh ĐH ba môn thi khối C đạt 20 điểm nhưng điểm ba môn này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ 17,5 điểm. Tại trường này, điểm thi “chóng mặt” nhất có lẽ là thí sinh B.T.T.T. (Phú Yên) khi điểm thi ĐH môn địa lý gấp đôi (7,25/3,5) điểm môn thi này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT...
Trường nói không chấm “thoáng”
Ông Trịnh Hữu Chung, thanh tra tuyển sinh Trường ĐH Hồng Bàng, cho biết những môn trắc nghiệm trường gửi ĐHQG TP.HCM chấm, còn các môn tự luận, giám khảo là giảng viên ở trường và giáo viên phổ thông mời từ bên ngoài. Ông Chung khẳng định: “Trường chấm thi đúng theo barem của Bộ GD-ĐT và tổ chức hai vòng chấm thi độc lập. Trong quá trình chấm thi có thanh tra Bộ GD-ĐT vào kiểm tra. Mọi việc chấm thi đều được đảm bảo theo quy trình chứ trường không có chủ trương chấm “thoáng” cho thí sinh”.
Trong khi đó, TS Lê Thị Thanh Mai (ĐHQG TP.HCM) nhận định: “Việc thí sinh đạt điểm thi tuyển sinh ĐH cao hơn thi tốt nghiệp THPT ở cùng môn thi rất hiếm xảy ra”. Theo TS Mai, về nguyên tắc, điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ luôn cao hơn điểm thi ĐH bởi ĐH là thi tuyển nên có độ khó và kiến thức phủ rộng hơn. “Theo quy luật này, điểm thi ĐH thường thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ những thí sinh đạt học lực giỏi trở lên mới có điểm tương đồng giữa hai kỳ thi. Trong nhiều năm qua, các nhà tư vấn hướng nghiệp thường sử dụng tương quan kết quả thi tuyển sinh giữa hai kỳ thi để tư vấn chọn trường, chọn ngành phù hợp với từng nhóm học sinh giỏi, khá, trung bình” - TS Mai nói.
Ở một góc độ khác, TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - nhìn nhận có việc chấm thi “không đều tay” ở môn thi tự luận. “Cũng bài thi đó nhưng người này chấm 7 điểm, người khác chấm 8 điểm và người khác nữa có thể chỉ chấm 6 điểm. Đề ĐH thường khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT. Nếu như cùng một giám khảo thì rất khó có điểm ĐH cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT” - TS Phương Anh nói.
Còn GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho rằng việc chấm thi các môn tự luận “hết sức thiếu khách quan”. Ông Thiệp nói: “Chỉ cần có chỉ đạo nhẹ tay, cho điểm rộng để tăng số lượng thí sinh trên điểm sàn nhằm tăng số thí sinh tuyển vào trường thì kết quả sẽ được nâng lên một cách dễ dàng”.
Chỉ cao hơn ở môn tự luận Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng điểm thi ĐH cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ xảy ra ở môn tự luận xã hội. Chẳng hạn, ở khối D Trường ĐH Lạc Hồng có 113 thí sinh có môn văn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, hai môn còn lại là toán và tiếng Anh đều có điểm thấp hơn thi tốt nghiệp THPT. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra với 45 thí sinh dự thi khối D vào Trường ĐH Hồng Bàng. Trái ngược với hiện tượng này, khảo sát kết quả thi môn văn của thí sinh trường chuyên dự thi khối D1 vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM cho thấy có đến 84,3% thí sinh có điểm thi môn văn thấp hơn từ 0,25-7 điểm so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này cũng đúng với môn toán, môn tiếng Anh. |