Nhiều ngành học mới mở trong năm nay dù là chuyên ngành hẹp nhưng sẽ giúp thí sinh dễ kiếm việc làm do xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội năm nay mở thêm 3 chuyên ngành mới là đạo diễn sự kiện, biểu diễn âm nhạc (thuộc lĩnh vực quản lý văn hóa) và hướng dẫn viên du lịch quốc tế (thuộc lĩnh vực Việt Nam học). Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng mở 3 ngành mới là quản trị du lịch - dịch vụ lữ hành, lưu trữ học, thông tin học. Nhiều chuyên gia tuyển sinh có chung nhận định đây là những chuyên ngành hẹp nhưng thí sinh rất dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Nắm bắt được nhu cầu thiếu nhân lực của ngành du lịch nên không chỉ các trường khối xã hội mà ngay cả Trường ĐH Điện lực cũng mở chuyên ngành quản trị du lịch. Đại diện nhà trường giải thích sở dĩ mở thêm ngành học nghe có vẻ “trái nghề” này là do dịch vụ du lịch tới các nhà máy thủy điện hiện nay khá phát triển, trong khi nhân lực chuyên nghiệp cho nhu cầu này vẫn còn trống.
Thí sinh đăng ký chọn ngành học tại trường ĐH năm 2011
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã lên kế hoạch tuyển sinh chuyên ngành vật lý điện hạt nhân và cấp học bổng cho cả 50 sinh viên theo học. Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, sinh viên tốt nghiệp ngành học này chắc chắn không phải lo thiếu việc vì năm 2020, dự kiến nước ta cần hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử. Trong khi đó, hiện cả nước chỉ có khoảng 600 cán bộ khoa học trong lĩnh vực hạt nhân. Bên cạnh việc cung cấp nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có thể làm việc trong ngành y, dược và một số lĩnh vực công nghiệp khác.
Ở phía Nam, các trường cũng rất nhanh nhạy với những ngành học dễ kiếm việc làm. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) bổ sung 2 ngành học lần đầu tiên được đào tạo ở nước ta là kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro. Những sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể phân tích tài chính, sử dụng phần mềm quản lý rủi ro, sử dụng các mô hình tính toán trong đầu tư tài chính.
Năm nay, nhiều trường dân lập giữ nguyên hoặc tăng học phí rất nhẹ để giữ chân sinh viên. Trường ĐH Chu Văn An giữ ổn định học phí 590.000 - 650.000 đồng/tháng cho hệ ĐH, 490.000 - 520.000 đồng/tháng cho hệ CĐ. Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân công bố học phí 6 triệu đồng/năm cho hệ ĐH và 4 triệu đồng/năm cho hệ CĐ. Ba năm nay, học phí của Trường ĐH Hà Hoa Tiên vẫn giữ nguyên với hệ ĐH là 500.000 đồng/tháng, hệ CĐ 400.000 đồng/tháng.
Một số trường như ĐH Dân lập Phương Đông có mức tăng học phí khoảng 100.000 đồng/tháng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tăng 60.000 đồng/tháng. Tăng cao nhất là ĐH Dân lập Thăng Long cũng chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng.Mù mờ học phí
Vài ngày sau khi công bố cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, Bộ GD-ĐT lập tức gửi văn bản nhắc nhở các trường ngoài công lập thông báo về mức học phí của từng ngành trên website của trường, đồng thời báo cáo để bộ cập nhật trên mạng của bộ. Yêu cầu này được đưa ra bởi nhiều trường thông tin khá mù mờ về học phí. Trong khi đó, những thông tin này lại rất quan trọng với thí sinh để quyết định việc chọn trường, chọn ngành học.