Năm nay, Bộ GD-ĐT mở thêm khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) để tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng cửa cho thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, với điểm mới này, nhiều trường ĐH vẫn còn dè dặt chưa tổ chức thi. Do vậy, thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký dự thi khối này, bởi mỗi trường tổ chức thi khối A1 theo ngành khác nhau, chủ yếu là khối ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối này chỉ được xét tuyển vào cùng khối chứ không được xét tuyển sang khối A.
Cho đến thời điểm hiện tại, rất ít trường thông báo tuyển sinh khối A1. Cụ thể, trường ĐH Kinh tế, Đà Nẵng thông báo tuyển 2 ngành là Kinh tế đầu tư và Quản trị hệ thống thông tin, 2 ngành này cùng tuyển khối A, A1 và D1, 2, 3, 4 với 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành.Trường CĐ Công nghệ thông tin - ĐH Đà Nẵng mở thêm ngành Hệ thống thông tin cho khối A, A1, D1 với 60 chỉ tiêu. ĐH Kỹ thuật Hưng Yên tuyển sinh khối A1 cho tất cả các ngành; ĐH Ngoại thương tuyển khối A1 cho tất cả các ngành (trừ ngành ngoại ngữ), trường ĐH Xây dựng tuyển sinh khối A1 với ngành công nghệ thông tin; ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, một số trường ĐH dân lập và trường ĐH khu vực phía Nam thông báo tuyển sinh khối A1.
Việc thông báo thi khối A1 của Bộ GD-ĐT cũng hơi muộn để thí sinh cân nhắc và lựa chọn thi. Bởi thi đại học, học sinh đã định hướng từ khi vào bậc THPT, bên cạnh đó lại thi trùng đợt với khối A nên một lần nữa thí sinh cần cân nhắc, lựa chọn.
Ông Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hà Nội, chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên thi khối A1, việc thông báo cũng hơi muộn, do vậy thí sinh nên cân nhắc lựa chọn khối thi. Khối A1 cửa xét tuyển hẹp, bởi năm nay nhiều trường không tổ chức thi khối A1. Nếu em nào lựa chọn thi khối A1 thì cân nhắc giữa môn Hóa và môn Ngoại ngữ xem môn nào là thế mạnh của mình thì thi vào. Nếu phân vân giữa khối A1 và A thì nên thi khối A. Các em cần phải tự tin vào sự lựa chọn của mình”.
Rộng cửa với thí sinh thi khối D1
Mặc dù A1 được dự báo “hẹp cửa” xét tuyển nhưng đây lại là một điểm lợi cho thí sinh dự thi khối D1 khi có thêm cơ hội vào đại học.
Trường ĐH Ngoại thương năm nay tổ chức thi khối A1 cho tất cả các ngành vào trường (trừ các môn chuyên ngành ngoại ngữ). Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Những thí sinh thi khối D1 có thể thi thêm khối A1. Đây là cơ hội cho các em thử sức thêm với khối mới thuận lợi hơn khi thi khối A. Tuy nhiên, các em cần so sánh môn Hóa và Ngoại ngữ, xem môn nào là sở trường của mình thì đăng ký thi”.
Tính toán trước khả năng do thời gian thông báo thi khối A1 muộn, nhiều trường không tổ chức thi khối A1 và nhiều thí sinh băn khoăn lựa chọn vì chưa kịp chuẩn bị, Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra phương án: Đề thi môn Toán, Vật lý khối A1 sẽ giống đề khối A; môn tiếng Anh khối A1 có đề riêng, không chung với đề tiếng Anh của khối D.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Bộ đang xem xét phương án khác là cho phép các trường tổ hợp các môn thi ở các khối khác nhau để xét tuyển. Và như vậy, nếu thí sinh thi cả khối A và khối D có thể lấy điểm Toán, Vật lý của khối A kết hợp với điểm tiếng Anh của khối D để xét tuyển khối A1. Nếu vậy, thí sinh dự thi hai khối A, D sẽ có thêm cơ hội đăng ký nguyện vọng khối A1 theo kết quả thi các môn Toán, Vật lý (khối A) và tiếng Anh (khối D).
Các trường ĐH có thi tuyển khối A và khối A1 sẽ xét theo chỉ tiêu đã đăng ký, không phân biệt bao nhiêu chỉ tiêu cho khối A và bao nhiêu chỉ tiêu cho khối A1 (việc ngành nào sẽ tuyển ưu tiên khối A hay khối A1 sẽ hiệu trưởng của nhà trường quyết định). Hiệu trưởng cũng quyết định điểm xét tuyển giữa hai khối A và khối A1 (tối thiếu trên điểm sàn). Quyết định này sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong thời gian tới.
Hồng Hạnh