Tin tức Tuyển sinh


Bộ truyện tranh đầu tay của SV thiết kế đồ họa ĐH Duy Tân

Yêu thích tác phẩm truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhóm vẽ mang tên “Lính Chì” đã chuyển thể và cho ra đời tác phẩm truyện tranh đầu tay với Phần 1 mang tên “Tương tư”.

 

Bộ truyện tranh đầu tay của SV thiết kế đồ họa ĐH Duy Tân

Ngay khi ra mắt và đăng tải trên fanpage của Lính Chì, "Tương tư" đã thu hút đông đảo độc giả theo dõi, tạo sự khích lệ cho cả nhóm tiếp tục ra mắt các phần tiếp theo. Nhóm vẽ Lính Chì là nhóm sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa của Đại học (ĐH) Duy Tân.

 

Tác phẩm đầu tay với nguồn cảm hứng sáng tạo

Trưởng nhóm Nguyễn Khánh Hiền chia sẻ, sau khoảng 2 tháng lên ý tưởng và bắt tay vào vẽ, Lính Chì đã cho ra mắt ‘đứa con tinh thần’. Đây là sản phẩm phi lợi nhuận của nhóm. Tác phẩm này đang được nhóm đăng tải trên fanpage của Lính Chì (https://www.facebook.com/truyentranhlinhchi ) để tất cả các bạn trẻ yêu thích truyện tranh có thể đọc miễn phí, kết nối và giao lưu cùng với nhóm.

 

Để có những nét vẽ mạnh mẽ, uyển chuyển thể hiện được chiều sâu nội tâm nhân vật và truyền tải tốt nhất mạch truyện của một tác phẩm nổi tiếng, nhóm vẽ cho biết đã từng nhận vẽ "storyboard" cho một số phim nước ngoài một thời gian. 

 

Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng nhận làm thêm những công việc liên quan tới ngành học như vẽ nhân vật, thiết kế logo, poster,… Bởi vậy, khi bắt đầu chuyển tải "linh hồn" của "Cô gái đến từ hôm qua" - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhóm đã không quá bỡ ngỡ mà còn có thể linh động trong sáng tạo với mong muốn tác phẩm sẽ được mọi người dễ dàng đón nhận.

 

Lê Thị Anh Thi - thành viên đảm nhận nhiệm vụ viết kịch bản - chia sẻ: "Điều thuận lợi nhất khi nhóm thực hiện tác phẩm này là đã có sẵn ‘chất liệu’ từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nên khi viết kịch bản truyện tranh thì dễ có nhiều ý tưởng về lời thoại, bối cảnh và hướng xây dựng hình tượng nhân vật. 

 

Tuy nhiên, đó cũng chính là khó khăn bởi đối với những tác phẩm dựa trên những ‘chất liệu’ tốt đã có sẵn, được chuyển thể từ những tác phẩm nổi tiếng thì càng đòi hỏi cần có sự sáng tạo, tính mới lạ để tránh được sự nhàm chán trong khi vẫn phải giữ được cái ‘hồn’ và truyền tải được những thông điệp của nguyên bản cốt truyện gốc."

Bộ truyện tranh đầu tay của SV thiết kế đồ họa ĐH Duy Tân

Giảng viên Nguyễn Tiến Việt (hàng trên), trưởng nhóm Nguyễn Khánh Hiền (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên của nhóm “Lính Chì”

Mong muốn của các Lính Chì là ngoài việc chuyển thể những tác phẩm nổi tiếng ra truyện tranh, nhóm sẽ còn triển khai các tác phẩm mới do chính bản thân sáng tác. Ở lĩnh vực này, nhóm đã bắt đầu triển khai thực hiện vẽ tập truyện tranh mới mang tên "Ma học đường". 

Đây là tác phẩm do nhóm tự lên ý tưởng, tự viết kịch bản và vẽ. Những trang chuyện đầu tiên đã được hoàn thành và chắc chắn Lính Chì sẽ nỗ lực để có thể "trình làng" sớm nhất trên fanpage của nhóm.

 

Lính Chì - Nơi hội tụ những bạn trẻ đam mê truyện tranh

Xuất phát từ niềm đam mê cháy bỏng với truyện tranh, những sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa của ĐH Duy Tân đã kết nối với nhau và lập ra nhóm vẽ truyện tranh với tên gọi là Lính Chì.

Bộ truyện tranh đầu tay của SV thiết kế đồ họa ĐH Duy Tân

Những buổi offline cùng nhau thiết kế và vẽ truyện tranh mang đến niềm cảm hứng vô tận cho nhóm Lính Chì

Nguyễn Khánh Hiền - trưởng nhóm và cũng chính là cô sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa của ĐH Duy Tân đã từng nhận chiếc Cup "American Graphic Design USA 2021" ở hạng mục Student Work - chia sẻ: "Lính Chì đã ra đời với mong muốn tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích để cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho những ai đam mê vẽ và truyện tranh, không chỉ dành cho các bạn sinh viên Duy Tân mà chúng em muốn hướng tới cho tất cả các bạn trẻ cùng niềm đam mê trên địa bàn Đà Nẵng".

 

Đảm nhận nhiệm vụ thiết kế nhân vật của nhóm, Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết: "Nhóm lấy tên là Lính Chì vì đây là một nhân vật quen thuộc với hầu hết mọi người. Hình tượng chú lính chì đại diện cho sự dũng cảm, sẵn lòng đương đầu với khó khăn. Nhóm muốn hướng đến một tập thể có thể vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục tiêu chung. Hiện tại nhóm có khoảng gần 10 thành viên, mỗi người đảm nhiệm một công việc khác nhau như: leader, editor, thiết kế nhân vật, phối cảnh,…

 

Trong suốt quá trình học tập tại ĐH Duy Tân, chúng em đã thu nhận được rất nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích. Đó cũng chính là nền tảng để chúng em có thể thực hiện đam mê vẽ truyện tranh của mình. Kỹ năng vẽ tay, vẽ bằng phần mềm Photoshop cùng các kiến thức về hình khối, phối màu, bối cảnh… là những kiến thức và kỹ năng được chúng em vận dụng nhiều nhất khi vẽ truyện tranh. 

 

Đặc biệt, chúng em còn được học môn Vẽ Truyện tranh với rất nhiều kiến thức hay về tạo hình nhân vật, viết kịch bản,… với sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy Nguyễn Tiến Việt - Giảng viên Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng - người luôn đồng hành cùng nhóm và chính là người truyền lửa để chúng em mạnh dạn hiện thực hóa những đam mê của bản thân trong cả quá trình học đại học".

 

ĐẠI HỌC DUY TÂN

- Top 500 Đại học Tốt nhất Thế giới năm 2023 & Top 100 Đại học Tốt nhất Châu Á năm 2022 theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE);

- Top 145 Đại học Tốt nhất Châu Á năm 2023 & Top 801-1000 Đại học Tốt nhất Thế giới năm 2023 theo QS Rankings;

- Trường đạt kiểm định ABET của Mỹ cho khối ngành Công nghệ Thông tin, Điện-Điện tử;

- Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt kiểm định UNWTO TedQual cho khối ngành Du lịch;

- Theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2023:

- Lĩnh vực Khoa học Máy tính thuộc Top 251-300 Thế giới;

- Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ thuộc Top 251-300 Thế giới;

- Lĩnh vực Kinh doanh & Kinh tế thuộc Top 301-400 Thế giới;

- Lĩnh vực Y tế, Sức khỏe thuộc Top 176-200 Thế giới; …

(Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-truyen-tranh-dau-tay-cua-sv-thiet-ke-do-hoa-dh-duy-tan-20221215110008364.htm)

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.