Kiểm toán là việc nghiên cứu và kiểm tra các tài khoản hàng năm của một tổ chức do một người độc lập, đủ danh nghĩa gọi là kiểm toán viên tiến hành để khẳng định rằng những tài khoản đó phản ánh đúng đắn tình hình tài chính thực tế, không che dấu sự gian lận và chúng được trình bày theo mẫu chính thức của luật định
Nghề kiểm toán theo cơ chế thị trường ở Việt Nam là một lĩnh vực còn khá mới mẻ và đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các bạn trẻ. Trong tiến trình phát triển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, lĩnh vực kế toán - kiểm toán đang rất cần một đội ngũ nhân lực đông đảo với trình độ chuyên môn cao. Chính đội ngũ nhân lực này sẽ góp phần tạo ra sự giàu có cho đất nước, đưa hình ảnh của Việt Nam đến một tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn trong các giao dịch trong nước và quốc tế. Và trên con đường sự nghiệp của mình, các bạn học sinh, sinh viên đã chuẩn bị những gì để đón đầu hội nhập?
Tại Việt Nam, nghề kiểm toán mới chỉ được nhắc đến từ đầu thập niên 1990. Nhưng hiện nay nó được coi là một trong những nghề “nóng” nhất ở Việt Nam.
Phạm vi của kiểm toán rất rộng, bao gồm các lĩnh vực khác nhau như: kiểm toán về thông tin, kiểm toán hiệu quả, kiểm toán tính quy tắc và kiểm toán hiệu năng.
Chẳng hạn, khi kiểm toán về thông tin, nhân viên kiểm toán sẽ hướng vào việc đánh giá tính trung thực và hợp pháp của các tài liệu. Còn kiểm toán hiệu quả là kiểm tra, đánh giá các nguồn lực trong từng loại nghiệp vụ kinh doanh như mua bán, sản xuất hay dịch vụ…
Kiểm toán là nghề hấp dẫn nhưng cũng có những yêu cầu đặc trưng: trước hết bạn phải có tính độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ đơn vị được kiểm toán và nguồn số liệu nào, có như vậy bạn mới có thể đưa ra được ý kiến trung thực, khách quan về những tài liệu được kiểm toán.
Ngoài ra, bạn phải là người có tính thận trọng vì kết luận kiểm toán của bạn có khả năng quyết định đến số phận của cả một công ty với hàng trăm con người đang làm việc ở đó. Bạn cũng cần phải thể hiện óc quan sát và tư duy phân tích cao, giỏi tính toán, yêu thích những con số, khả năng chịu đựng áp lực của công việc. Bạn cũng cần luôn vươn lên, học hỏi những kiến thức mới về kế toán, kiểm toán và luật kinh tế của tất cả các nước trên thế giới.
Mỗi kết luận hay ý kiến mà Kiểm Toán Viên đưa ra đều là để tạo niềm tin cho các bên liên quan. Như vậy để giữ được lòng tin của khách hàng cũng như giữ được uy tín của chính mình luôn là áp lực lớn đối với kiểm toán viên. Hơn nữa, kiểm toán viên còn phải chịu các áp lực về thời gian để hoàn thành công việc. Các kiểm toán viên hành nghề cho biết, khi vào “mùa kiểm toán”- thời điểm trước khi các doanh nghiệp phải công bố các báo cáo kiểm toán, các kiểm toán viên phải làm việc 12 tiếng/ngày. Họ thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Thời gian còn lại, họ phải tham gia các khoá học nâng cao kiến thức chuyên môn, kinh tế, pháp luật, ngoại ngữ… Thời gian học tập chiến tới 1/3 thời gian làm việc trong năm. Kiểm toán viên là những người thực hiện việc xác minh và bày tỏ ý kiến về tính trung thực của các thông tin được kiểm toán- những thông tin ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, và với mỗi khách hàng khác nhau lại có những đặc trưng khác nhau, vì thế, không phải dễ dàng gì mà họ có thể “vừa làm vừa chơi” mà có được các sản phẩm- các báo cáo kiểm toán chất lượng. Trên thế giới, lương của kiểm toán viên hoặc phí kiểm toán được tính theo giờ. Chính vì vậy, một giờ làm việc của kiểm toán viên thường rất hiệu quả. Kiểm toán viên phải liên tục tìm hiểu về các lĩnh vực hoạt động, đối tượng khách hàng mà mình kiểm toán để bảo đảm việc đưa ra các ý kiến nhận xét xác đáng.
Hiện nay, trên thế giới, trong số các ngành kinh doanh thì kiểm toán được coi là ngành có mức thu nhập cao nhất. Theo điều tra của PayScale (Mỹ) về mức lương trung bình của một kiểm toán viên ở California hay New York vào khoảng 50.000USD/năm. Mức lương trung bình của một kiểm toán viên có kinh nghiệm vào khoảng 60.000USD/năm. Ở Việt Nam, mức lương khởi điểm trung bình là 1.000USD/KTV/tháng, tức khoảng 12.000USD/năm đối với các kiểm toán viên đã có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế.
Mặc dù kiểm toán viên có mức thu nhập cao như vậy, nhưng không phải ai cũng dễ dàng gia nhập nghề này. Để trở thành kiểm toán viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Tính độc lập, thận trọng, óc quan sát, tư duy phân tích cao và không ngừng trau dồi kiến thức là những đức tính rất quan trọng của một kiểm toán viên. Để được hành nghề kiểm toán trong một công ty kiểm toán độc lập, họ nhất định phải có chứng chỉ kiểm toán. Ở Việt Nam, cơ quan cấp chứng chỉ kiểm toán viên là Bộ Tài chính hoặc do các tổ chức quốc tế phối hợp với Bộ Tài chính cấp.
Đào tạo kiểm toán được phân chia theo hai hướng cơ bản: đào tạo nghề nghiệp và đào tạo hàn lâm. Bên cạnh đó, một xu hướng đang phát triển là đào tạo hỗn hợp giữa hai hướng trên.
Bạn có thể thấy hình thức đào tạo hàn lâm được thực hiện trong các trường đại học và viện nghiên cứu với các cấp học như cử nhân, thạc sĩ (nghiên cứu hoặc thực hành) và tiến sĩ.
Ở Việt Nam, chuyên ngành kiểm toán được mở lần đầu tiên cho sinh viên chính quy dài hạn tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1995. Sau đó, nhiều trường đại học khác đã bắt đầu tuyển sinh hệ chính quy chuyên ngành kiểm toán
Giờ đây, ngoài trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bạn còn có thể học kiểm toán tại nhiều cơ sở đào tạo khác như Đại học Duy Tân, ĐH Kinh Tế Đà Nẵng, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, trường Đại học Thương mại...
Kiểm toán là một nghề đòi hỏi thứ bậc cao, nếu bạn yêu nghề, sau khi học xong đại học rất nhiều loại hình đào tạo nâng cao sẽ chào đón bạn. Loại hình quan trọng nhất trong các hình thức đào tạo nghề nghiệp kiểm toán là đào tạo lấy chứng chỉ nghề nghiệp.
Hình thức đào tạo này thường do hiệp hội nghề nghiệp hoặc các tổ chức được ủy quyền thực hiện, như đào tạo lấy chứng chỉ kiểm toán viên quốc gia do Bộ Tài chính cấp, lấy chứng chỉ hội viên của Hội Kế toán viên Công chứng Vương quốc Anh ACCA, chứng chỉ Kiểm toán viên độc lập của Hoa Kỳ CPA, chứng chỉ CA và CPA của Australia...