Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, năm 2016 các trường được chủ động đưa ra một số quy định trong tuyển sinh. Điều này phù hợp với xu hướng mở rộng quyền tự chủ cho các trường, tuy nhiên sẽ có các quy định khác
nhau ở các trường.
Thứ tự xét các nguyện vọng sẽ khác nhau
Trong số những nội dung các trường ĐH được chủ động quy định có hai nội dung liên quan trực tiếp đến thí sinh. Đó là phương thức đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và phương thức
xét tuyển.
Theo ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), ngoài hai phương thức ĐKXT qua đường bưu điện và trực tuyến, các trường có thể quy định thêm phương thức ĐKXT phù hợp với đặc điểm của trường nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và bức xúc xã hội.
Như vậy, thí sinh cần tìm hiểu xem trường mình định ĐKXT có công bố thêm phương thức ĐKXT trực tiếp tại trường hay không trước khi lựa chọn phương thức nộp hồ sơ ĐKXT.
Một điểm khác biệt quan trọng so với năm 2015 là phương thức xét tuyển. Năm 2015, phương thức xét tuyển giữa bốn nguyện vọng trong phiếu ĐKXT của thí sinh là bình đẳng theo thứ tự và được áp dụng cho tất cả các trường.
Nhưng năm 2016, các trường sẽ tự quy định phương thức xét tuyển giữa hai nguyện vọng trong phiếu ĐKXT của thí sinh. Ông Nghĩa lưu ý: thí sinh cần đặc biệt chú ý, trong thực tế sẽ có các phương án xét tuyển khác nhau tùy theo quy định của từng trường như sau:
- Xét hai nguyện vọng là bình đẳng (nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tự động xét nguyện vọng 2 bình đẳng với các thí sinh khác).
- Thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 sẽ được ưu tiên so với thí sinh đăng ký ngành đó ở nguyện vọng 2 (chẳng hạn phải có kết quả thi cao hơn thí sinh có nguyện vọng 1 là 0,5 điểm).
- Trường sẽ xét hết thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, sau đó còn chỉ tiêu mới xét thí sinh đăng ký nguyện vọng 2...
Vì tùy từng trường ĐH áp dụng phương án xét thứ tự nguyện vọng khác nhau nên thí sinh cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn, nhất là đối với những thí sinh có kết quả thi không cao, cần cân nhắc để chọn phương án xét tuyển có lợi nhất.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết khác với năm 2015 (thực hiện quy định điểm trúng tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước), năm 2016 các trường được quyết định điểm trúng tuyển phù hợp với tình hình thực tế của công tác xét tuyển.
“Các thí sinh cần hết sức lưu ý quy định này để đưa ra quyết định phù hợp, tránh tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển oan uổng” - ông Nghĩa tư vấn.
Nhận giấy chứng nhận kết quả thi ở đâu?
Sau khi có kết quả thi, thí sinh được trường ĐH chủ trì cụm thi cấp giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh lưu ý: không sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi này để ĐKXT, mà chỉ nộp vào trường nhập học sau khi đã trúng tuyển.
Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi ở đó. Hiện nay, các trường ĐH đang tập trung in giấy chứng nhận kết quả thi để chuyển về các sở GD-ĐT, từ sở sẽ chuyển về các trường THPT để bàn giao cho thí sinh.
Dự kiến thí sinh nhận được giấy chứng nhận kết quả thi trong khoảng từ ngày 25 đến 27-7. Theo quy định trong lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, chậm nhất là trước ngày 30-7 giấy chứng nhận kết quả thi phải đến tay thí sinh.
“Trường hợp sau thời điểm này chưa nhận được, bị thất lạc hoặc mất giấy chứng nhận kết quả thi, thí sinh cần liên hệ với trường ĐH chủ trì cụm thi, làm đơn xin trường xác nhận. Trường sẽ cấp lại cho thí sinh giấy chứng nhận kết quả thi (có dấu đỏ của trường và được ghi là “bản cấp lại”).
Khi được cấp giấy này, bản chính sẽ không còn giá trị và hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia sẽ thông báo cho trường thí sinh ĐKXT để trường biết và chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả thi được cấp lại” - ông Trần Văn Nghĩa hướng dẫn.
Ở mỗi đợt xét tuyển, chậm nhất năm ngày sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển (nếu nộp bằng đường bưu điện, thời gian được xác định theo dấu bưu điện), thí sinh phải xác nhận việc học tại trường bằng cách nộp cho trường bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.
Thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi coi như không có nguyện vọng học tại trường và sẽ không được gọi nhập học. Thí sinh cần lưu ý: kể cả thí sinh chỉ trúng tuyển 1 trường cũng phải xác nhận việc nhập học tại trường.
Đối với các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành), các trường phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Thí sinh cần nắm được những thông tin này để lựa chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp môn thi phù hợp nhất với kết quả thi nhằm có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành/trường mình mong muốn.
|
Để ĐKXT, thí sinh điền thông tin vào phiếu ĐKXT và nộp cho trường qua đường bưu điện, trực tuyến hoặc phương thức khác do trường quy định.
Đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2.
Điều quan trọng mà thí sinh cần lưu ý là: trong mỗi đợt xét tuyển thí sinh không được thay đổi nguyện vọng.
|
THANH HÀ
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160722/can-biet-khi-dang-ky-xet-tuyen/1141234.html