Tin tức Tuyển sinh


Không làm mất oan điểm của thí sinh

@import url(/css/example.css);

Các giáo viên nghe phổ biến công tác chấm thi tại cụm thi Trường ĐH Hà NộiẢnh: TRẦN THẠC

Các giáo viên nghe phổ biến công tác chấm thi tại cụm thi Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: TRẦN THẠC

 
Giám sát chặt việc chấm thi
 
PGS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, cho biết cụm thi số 3 do trường chủ trì đã chấm xong môn tiếng Anh, lịch sử và các môn trắc nghiệm. Riêng môn toán đã chấm xong 80% ở vòng thứ hai và sẽ hoàn tất trong sáng 11-7. “Ngay sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành so vênh và kiểm tra, dự kiến sẽ hoàn thành việc chấm thi trước ngày 13-7” - ông Thái nói.
 
Năm nay, cụm thi số 3 của Trường ĐH Thủy lợi có 12.161 bài thi môn toán, 11.825 bài ngữ văn, 11.338 bài tiếng Anh, 4.834 bài địa lý và ít nhất là lịch sử với 1.120 bài. Số cán bộ chấm thi là toán: 66, văn: 87, tiếng Anh: 56, địa lý: 22, lịch sử: 18. Cán bộ chấm thi của Trường ĐH Thủy lợi là giảng viên từ các trường ĐH khác và trường THPT của Hà Nội, ưu tiên những người năm ngoái đã tham gia công tác chấm thi của trường.
 
Ông Thái cho biết tất cả phòng chấm thi đều có camera theo dõi, lực lượng công an, cán bộ thanh tra của trường cũng tham gia giám sát. Để bảo đảm chấm thi nghiêm túc và đạt tiến độ, cán bộ chấm thi phải làm việc cả trong các ngày thứ bảy, chủ nhật.
 
Bắt đầu từ ngày 7-7, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chấm được một số lượng lớn bài thi. PGS Đinh Văn Hải, Trưởng Phòng Công tác Chính trị sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay các môn thi trắc nghiệm trường nhờ Bộ GD-ĐT chấm. Khoảng 80 cán bộ, giảng viên trong trường tham gia chấm môn toán. Với các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, nhà trường ký hợp đồng chấm thi với khoảng 50 giáo viên THPT trên địa bàn Hà Nội.
 
Cũng như nhiều cụm thi khác, để bảo đảm không có tiêu cực xảy ra, ngoài cán bộ thanh tra, ĐH Trường Bách khoa Hà Nội còn lắp thêm camera và nhờ lực lượng PA83 Công an TP Hà Nội giám sát. Theo lãnh đạo nhà trường, dự kiến khoảng ngày 14-7, trường sẽ hoàn thành việc chấm thi.
 
Tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trào cho biết trước ngày 19-7 sẽ hoàn thành công tác chấm thi.
 
Mọi sáng tạo, ý tưởng đều được chấm điểm
 
Đề thi năm nay tiếp tục được ra theo hướng mở nên việc chấm thi cũng theo hướng mở.
 
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể thể hiện quan điểm, suy nghĩ, tình cảm của mình trong các vấn đề mà đề thi đề cập. “Nếu không vi phạm thuần phong mỹ tục, không trả lời sai câu hỏi thì mọi sáng tạo, ý tưởng của thí sinh đều được chấm điểm” - ông khẳng định.
 
PGS Nguyễn Cảnh Thái cho hay do các môn khoa học xã hội không có barem cứng nên nhiều khi điểm bài thi phụ thuộc quan điểm chấm. Có thể cùng một ý nhưng quan điểm của từng giảng viên/giáo viên khác nhau.
 
“Các cán bộ chấm thi cần trao đổi chặt chẽ và thường xuyên trong quá trình chấm thi để không làm mất oan điểm của thí sinh. Cụm thi Trường ĐH Thủy lợi yêu cầu các trưởng bộ môn chấm phải thường xuyên cập nhật, trao đổi với các thầy cô, trên tinh thần chấm thi phải làm sao bảo đảm tính công bằng, hết sức tạo điều kiện có điểm cho thí sinh nếu hợp lý” - ông Thái cho biết.
 
Năm nay, cụm thi này bổ sung tới 100 cán bộ của trường làm nhiệm vụ thư ký, chuyên đảm nhiệm việc kiểm tra điểm vênh giữa 2 vòng chấm. Khi có sự chênh lệch về điểm thành phần và điểm tổng, thư ký ghi theo ký hiệu trên phiếu chấm cá nhân. Cụ thể, những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm (đối với toán, văn, sử, địa) hoặc 0,2 điểm (đối với tiếng Anh) trở lên, tránh trường hợp 2 giáo viên ở vòng chấm trước tự kiểm tra lại, có thể quy trình không được chặt chẽ. “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa thể nói gì về chất lượng bài thi năm nay. Sau khi so vênh và kiểm tra hoàn tất, chúng tôi mới lên phổ điểm” - ông Thái cho biết.
 
Theo ông Mai Văn Trinh, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là thay đổi về làm tròn 0,25 điểm bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, tổ chấm thi tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến 2 chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm). Điều này có nghĩa hội đồng chấm thi có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy, nếu thí sinh được 4,99 điểm cũng không được làm tròn thành 5, chỉ trường hợp là 4,995 trở lên thì mới được làm tròn điểm.
 
Quy chế mới cũng bổ sung quy định: Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm.
 
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga, các cụm thi chấm bài xong sẽ phải cập nhật vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia để Bộ GD-ĐT kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu đã được lưu trữ ở hội đồng thi. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ chuyển về các sở GD-ĐT ở địa phương để trường ĐH, CĐ công bố cho thí sinh trước ngày 1-8.
 
Điểm thi phổ biến từ 4-6
 
Theo một số giáo viên chấm thi ở cụm ĐH Vinh, điểm thi phổ biến là 4-6, điểm 7 không nhiều, còn điểm 8-9 rất ít, điểm 10 chưa có.
 

Cụ thể, môn toán gần như vắng bóng điểm 10, điểm 8-9 không nhiều, phổ điểm chủ yếu là 4-6. Nhiều ý kiến nhận định năm nay sẽ không có nhiều thí sinh đạt điểm thi 3 môn ĐH là 27.


Yến Anh
http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khong-lam-mat-oan-diem-cua-thi-sinh-20160710213423682.htm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.