Thí sinh vui mừng sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: K.Q
Điểm không cao, điểm chuẩn sẽ hạ?
Ngay sau khi có điểm thi, Ban Tư vấn tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội dự báo điểm chuẩn nhiều ngành của trường năm 2016 có thể giảm so với năm 2015. Lý do chính là đề thi năm nay có khó hơn và phân loại được thí sinh. ĐH Xây dựng cũng cho biết dự kiến điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ thấp hơn năm 2015 từ 1 - 2 điểm (tùy theo từng ngành đào tạo). Cùng chung đánh giá, theo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, điểm thi năm nay không cao như năm 2015. Vì vậy, có thể điểm chuẩn vào trường thấp hơn năm ngoái từ 0,5 - 1 điểm. ĐH này nằm trong tốp 12 trường tuyển sinh theo nhóm (nhóm GX), ngoài phương thức xét tuyển theo nhóm là dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 của thí sinh, nhà trường đặt ra tiêu chí riêng là thí sinh phải có điểm thi 3 môn cho từng tổ hợp khối A, A1, B, D cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp nhất mà thí sinh cần đạt được nếu muốn ĐKXT vào ĐH, CĐ (điểm sàn) của Bộ GDĐT ít nhất là 2 điểm.
Kết quả tại các cụm thi TPHCM cho thấy, năm nay, điểm thi của thí sinh có sự phân hóa mạnh. Phổ điểm tập trung ở mức 4-5-6. Thí sinh đạt điểm 9-10 rất hiếm. TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, điểm giảm so với năm trước. Số thí sinh có phổ điểm từ 18-21, tức là đạt từ 6-7 điểm/môn khá đông. Th.S Phạm Thái Sơn - GĐ Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ DN, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM nhận định, các trường “top” trên có khả năng giảm điểm chuẩn nhưng không giảm nhiều và dễ xét tuyển hơn. Với các trường top giữa, lấy điểm từ 18-20, nguồn tuyển sinh sẽ dồi dào hơn. Còn theo đánh giá của ông Trương Tiến Sĩ - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TPHCM, lượng thí sinh dự thi giảm mạnh, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp lại tăng lên nên điểm chuẩn giảm là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, các môn KHTN rất hiếm điểm 10. “Các trường sử dụng các tổ hợp có các môn nêu trên (thuộc khối A, A1, D1) nhiều khả năng sẽ giảm 1-2 điểm” - ông nói.
Sẽ sớm có “điểm sàn”
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ ngày 1.8, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT rồi cho nên hội đồng xác định ngưỡng điểm đầu vào phải họp ngay sau khi công bố kết quả điểm thi. Dự kiến từ 25-28.7. Còn với bậc CĐ, theo quy chế năm nay thì những thí sinh tốt nghiệp THPT đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường CĐ - cho nên không xác định ngưỡng xét tuyển CĐ như mọi năm nữa.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, điều kiện xét tuyển đầu tiên là không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống. Tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên. Điểm xét tính từ kết quả thi của tổ hợp môn xét tuyển không thấp hơn 6,0. Thí sinh được phép đăng ký tối đa 2 nguyện vọng theo nhóm ngành. Điểm chuẩn trúng tuyển cho mỗi nhóm ngành sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp với công thức tính điểm xét.
ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra điều kiện xét tuyển riêng là điểm ba môn thi của tổ hợp môn xét tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GDĐT ít nhất 2 điểm. ĐH Ngoại thương yêu cầu điểm trung bình trong học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên, điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường. ĐH Y Hà Nội thông báo có điểm trúng tuyển theo ngành. Tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí phụ dùng để xét tuyển (nếu có trường hợp các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau) như sau: Ưu tiên 1 là môn toán, ưu tiên 2 là môn sinh học.
DƯƠNG HÀ - KHƯƠNG QUỲNH
http://laodong.com.vn/xa-hoi/diem-chuan-dau-vao-dai-hoc-co-the-thap-hon-2015-574973.bld