Hầu hết các trường ĐH, CĐ đều có xét tuyển học bạ.
Theo Thông tư sửa đổi, căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với trường CĐ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen cho rằng, điều này là hoàn toàn hợp lý với xu thế các nước trên thế giới. Theo ông Bình, điểm sàn CĐ trong những năm qua là để chặn hệ CĐ trong xét tuyển lấy điểm quá thấp ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. “Trong thời điểm hiện tại, kỳ thi THPT Quốc gia đã nghiêm túc hơn và điểm thi cũng đã cao nên bỏ điểm sàn giúp cho các trường CĐ thuận tiện hơn trong xét tuyển”, ông Bình nói.
Dù vậy, ông Bình cũng nghi ngờ các trường có thể nâng điểm cho học sinh của mình, bởi xét tuyển hiện tại điểm học bạ chiếm 50% quyết định. “Không thể phủ nhận không có tình trạng việc nâng điểm học bạ nhưng đây cũng là cơ hội để các trường THPT cầm cân nảy mực, tạo sự công bằng trong giảng dạy. Bên cạnh đó, các trường ĐH- CĐ khi xét tuyển lấy điểm cũng lấy điểm từ trên xuống, nên cũng có phần an tâm”, ông Bình nói thêm.
Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt cũng hoàn toàn ủng hộ việc bỏ điểm sàn CĐ bởi nó phù hợp với luật giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các em tốt nghiệp THPT có nhu cầu học CĐ. Theo ông hiện nay cả nước có gần 200 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng, trong đó hầu hết các trường đều có xét tuyển học bạ. “Điểm xét tuyển học bạ của hệ ĐH là 6.0 trong khi hệ CĐ chỉ thấp hơn 0,5 điểm (tức 5.5 điểm) thì việc bỏ điểm sàn CĐ hoàn toàn hợp lý”, ông Thành đưa ra dẫn chứng.
Ông Thành cũng cho biết, bỏ điểm sàn CĐ sẽ giúp cho hệ CĐ có nguồn tuyển nhiều hơn và việc phân hóa đào tạo nghề giữa ĐH và CĐ trong xã hội cũng ổn định hơn. Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: “Bỏ sàn CĐ cũng hợp lý, vì tốt nghiệp THPT là cơ sở tối thiểu để học CĐ”.
Lo tỉ lệ ảo
Nói về việc thí sinh được nộp hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng, ông Trần Đình Lý cho rằng, 4 nguyện vọng của 2 trường khác nhau tức là nhân đôi cơ hội vào ngành phù hợp với các em học sinh. Điều này là hợp lý hơn 2015, cũng 4 nguyện vọng nhưng cùng 1 trường. “Năm 2015 có 4 nguyện vọng nhưng cùng 1 trường nên việc sử dụng các nguyện vọng tiếp theo rất hạn chế. Năm nay điều chỉnh 2 ngành của 2 trường khác nhau là xu hướng càng ngày càng sát hơn với nguyên tắc của công tác hướng nghiệp”, ông Lý nói.
Ông Hoàng Đức Bình cũng cho rằng, việc có 4 nguyện vọng, mỗi trường hai nguyện vọng là giúp thí sinh chọn được ngành nghề cũng như trường học phù hợp. “Như năm ngoái, có nhiều em đã vào trường và học ngành mà mình không yêu thích, nguyên do là chỉ được chọn một trường nhưng lại có đến 4 nguyện vọng”, ông Bình nói.
Về tỉ lệ ảo, theo ông Bình, năm ngoái thí sinh nộp vào một trường thì ảo đến 75%, và năm nay cũng ảo lớn nhưng cơ hội cao hơn. Tuy nhiên, theo ông Bình ảo là một thực tế các trường phải nhìn nhận, phải tự nỗ lực chứng minh năng lực của mình để học sinh tìm đến chứ không phải chạy đua để tranh giành học sinh. “Giống như các nước trên thế giới, họ có cuộc chạy đua giữa các trường ĐH với nhau để thuyết phục em đó đến với trường của mình”, ông Bình dẫn chứng.
Đánh giá chung về tuyển sinh, ông Bình cho rằng, phương pháp chúng ta làm là đang tiến dần tới mức độ tuyển sinh bình thường như các nước trên thế giới. Bộ GD&ĐT không nên nhúng tay quá sâu vào các trường ĐH, chỉ nên quản lý bằng chính sách còn quyền tuyển sinh viên như thế nào là thuộc về các trường.
Nguyễn Dũng
(http://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2016-bo-san-cao-dang-la-phu-hop-xu-the-973302.tpo)