Đối với chính sách ưu tiên, dự thảo quy định rõ hơn để tránh tình trạng thí sinh lợi dụng chính sách ưu tiên chuyển trường về những khu vực khó khăn nhằm được cộng thêm điểm.
Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học phổ thông có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả những em đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Đối tượng ưu tiên cũng được điều chỉnh. Cụ thể, đối tượng 01 là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại Khu vực 1 (KV1).
Khu vực 2 cũng được thông tư quy định rõ hơn, gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
Năm 2015, nhiều thí sinh sau khi nhập học mới phát hiện hồ sơ có vấn đề, dẫn đến tình trạng đỗ thành trượt. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi.
Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Quy định rõ chỉ tiêu xét theo hình thức xét tuyển
Điểm mới của quy chế năm nay là Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng những tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành, các trường xác định và công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới, ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành, cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng khối thi truyền thống.
Không có ngưỡng điểm sàn cao đẳng
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu, dự thảo thông tư cũng nêu rõ căn cứ kết quả của người dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với trường cao đẳng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT.
Đối với những trường có đề án tuyển sinh riêng bằng hình thức xét học bạ, Bộ GD&ĐT cũng có quy định cụ thể: Điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10).
Thí sinh không nộp hồ sơ tại trường
Khác với những năm trước, năm nay, việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh được Bộ GD&ĐT thay đổi. Các em nộp Phiếu đăng ký dự thi và lệ phí đăng ký dự thi cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến.
Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
(http://news.zing.vn/Tuyen-sinh-2016-Bo-GDDT-dieu-chinh-doi-tuong-uu-tien-post627596.html)