Giảm dần những bất bình đẳng
Nhiều người trực tiếp làm công tác tuyển sinh nhìn nhận những điều chỉnh trong dự thảo quy chế về tuyển sinh ĐH, CĐ bước đầu khá hợp lý.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc thu hẹp đối tượng ưu tiên 01 không tác động đến nhiều người. Tuy nhiên, quy định thu hẹp KV1 và KV2 - nông thôn sẽ tác động đến nhiều TS. Báo Thanh Niên từng có loạt bài phản ảnh về sự bất hợp lý trong xác định ưu tiên KV, chẳng hạn TS ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) lại được hưởng KV ưu tiên cao nhất như các huyện, xã khó khăn khác. Những bất hợp lý như vậy sẽ hạn chế trong năm 2016. Do đó, dự kiến số lượng TS hưởng ưu tiên KV sẽ giảm tương đối trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Nhưng nếu không chỉnh sửa theo hướng giảm điểm chênh lệch giữa các KV và đối tượng ưu tiên liền kề thì có tạo được sự công bằng cho TS không được hưởng ưu tiên? Chuyên viên tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM bày tỏ: “Điều chỉnh chính sách ưu tiên tuyển sinh cần bắt đầu từ việc xem xét lại các căn cứ và cách thức xác định ưu tiên chứ không phải ở chỗ giảm điểm”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng sự chênh lệch về tăng, giảm mức điểm chỉ tác động đến những TS thuộc các KV ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH ở tốp trên ở Hà Nội và TP.HCM. Nếu các TS này xét tuyển vào các trường ở KV hoặc địa phương thì đều như nhau. Ngoài ra, theo tiến sĩ Nghĩa, việc thay đổi mức chênh lệch điểm trúng tuyển nếu không hợp lý sẽ gây khó khăn nguồn tuyển cho các trường ở Tây Bắc, Tây nguyên và tây Nam bộ.
Thực tế kỳ tuyển sinh năm 2015 ở các trường ĐH cho thấy TS điểm cao có xu hướng nộp hồ sơ vào các trường ĐH hoặc ngành hấp dẫn. Lúc bấy giờ những TS được hưởng ưu tiên sẽ càng có lợi thế trong cuộc cạnh tranh mà đôi khi chỉ cần hơn nhau 0,25 điểm là đã đậu hay rớt. Theo thống kê, 100 TS có điểm thi cao nhất đăng ký xét tuyển vào ngành điện - điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong đợt xét tuyển đầu tiên năm 2015, số TS được hưởng ưu tiên chiếm 93%, tỷ lệ này chung cho các ngành của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là 92%. Nếu xét theo ngành, lấy tài chính - ngân hàng làm ví dụ, tỷ lệ này ở Trường ĐH Tài chính - Marketing là 83%, giảm dần ở các trường khác như Tôn Đức Thắng (50 - 55% tùy tổ hợp môn), Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM còn 30%. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, việc nộp hồ sơ xét tuyển sau khi biết kết quả thi như năm 2015 càng tạo điều kiện cho những trường lớn, ngành học hấp dẫn ở những thành phố lớn thu hút TS điểm cao dẫn đến tình trạng có TS điểm cao chót vót vẫn rớt. Như vậy, sự cạnh tranh từng 0,25 điểm thường diễn ra với những TS có điểm thi rất cao, ở những ngành hấp dẫn và ở những trường ĐH lớn. Lúc bấy giờ sẽ có những TS ở những thành phố lớn, điểm rất cao nhưng không được ưu tiên phải nhường suất vào ĐH cho TS có thể thấp hơn mình chỉ 0,25 điểm nhưng được hưởng ưu tiên. Đối với TS ở các thành phố lớn thế là không công bằng. Ngược lại, với TS ở vùng khó khăn, điều kiện sống và học tập thiếu thốn nhưng nỗ lực để học tốt và đạt kết quả cao thì đó là điều sòng phẳng.
Đó là sự cạnh tranh ở ngành học tốt, các trường lớn. Ở một bức tranh khác, dù lấy điểm thấp nhưng nhiều trường địa phương vẫn không đủ nguồn tuyển. Vì vậy, có người e ngại nếu giảm mức điểm chênh lệch ưu tiên sẽ khó cho việc đào tạo nguồn nhân lực ở các vùng khó khăn.
Rõ ràng ưu tiên trong tuyển sinh là một câu chuyện dài mà ở đó sự công bằng tuyệt đối là điều còn nhiều tranh cãi và cần phải điều chỉnh theo thời gian với tác động của những thay đổi trong cuộc sống và quan điểm xã hội. Trước mắt, có thể xem những thay đổi trong chính sách ưu tiên tuyển sinh năm nay như là bước đầu của một sự chuyển biến, nếu so với trước đó. Cũng hy vọng số TS hưởng ưu tiên KV theo đó sẽ hợp lý hơn, giảm dần những bất bình đẳng quá rõ ràng, gây bức xúc như lâu nay.
Nhiên An |