Phần lớn thí sinh, đặc biệt ở các tỉnh thành lớn, hài lòng với đề thi môn toán, ngoại ngữ trong ngày thi đầu tiên - Ảnh: Ngọc Thắng
|
|
Giáo viên rất vui
Đề thi này với HS trung bình, đạt điểm 5 không phải là quá khó. Đây là một đề thi vừa dễ nhưng cũng phân hóa tốt. Có một câu hỏi về xác suất, liên quan tới kiến thức xã hội cũng vui vui. Đề thi năm nay cũng có nét mới so với mọi năm. Trước đây bao giờ cũng có bài về phương trình lượng giác, nhưng năm nay hỏi về biểu thức lượng giác (kiến thức lớp 10). Tuy nhiên trong quá trình học, HS được học khá nhiều về lượng giác. Nếu trong đề thi, có câu hỏi “xứng đáng” hơn cho phần này thì cá nhân tôi thấy khoái hơn.
Phạm Văn Hoan
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình, Hà Nội)
Xuất sắc mới giải được câu 10
Có một số câu có mức độ dễ hơn đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước, chẳng hạn các câu 1 đến 6. Đến câu số 7 cần kiến thức nâng cao ở ý b, câu 8 - câu 9 dành cho HS khá giỏi. Còn câu 10 thì HS phải cực kỳ xuất sắc mới có thể giải quyết được.
Thạc sĩ Phạm Hồng Danh
(Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm 10 môn toán
Đề thi năm nay có 10 câu riêng biệt. Bốn câu dễ nhất là 1, 3, 4, 5 thuộc chương trình lớp 12. HS có học lực trung bình có thể làm được 4 câu này. Ngoài ra câu 2 cũng thuộc loại cơ bản, tuy nhiên cũng có thể làm khó HS không ôn tập kỹ. Với 5 câu này, nếu không có sai sót quá lớn trong tính toán thì HS có thể dễ dàng kiếm được 3 điểm. Câu 6 khó hơn vì đây là kiến thức lớp 10 và 11, và phần lượng giác và xác suất là 2 phần yếu nhất của HS. Câu 9 là câu phương trình căn thức. Dạng này quen thuộc đối với HS đã qua các lớp luyện thi nhưng so với HS học cơ bản thì quá khó. Câu 10 là câu bất đẳng thức, khó nhất của đề thi nên chỉ các HS rất giỏi hoặc có luyện kỹ thì mới làm được.
Đề thi có tính phân loại cao, phổ điểm sẽ có hình chuông với trung bình tại 5. Sẽ ít có điểm 0. Còn điểm 10 chắc không ít.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng
(Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Bất công với HS khá
Câu 10 là quá khó, dành cho TS rất giỏi, HS chuyên nên không được coi là câu dùng để phân hóa. Chỉ có 2 câu 8 và 9 làm nhiệm vụ nói trên. Như vậy có sự bất công đối với HS khá. Chỉ cần có sơ suất nhỏ là vuột mất điểm khi xét vào các trường ĐH tốp trên nhưng giữa TS trung bình và khá không có sự chênh lệch rõ rệt.
Trần Văn Toàn
(tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie TP.HCM)
Q.Hiên - X.Phương - B.Thanh |
Cách ra đề hạn chế dạy thêm - học thêm
Đề thi tiếng Anh bám sát chương trình. Đề khá dễ, nhưng cũng phân hóa khá tốt yếu - trung bình - khá - khá giỏi. Nhiều giáo viên thích xu hướng ra đề thi này vì nó sẽ hạn chế được nạn học thêm - dạy thêm. Trước đây, đề thi không bám sát chương trình nên HS buộc phải đi học thêm mới làm được bài thi. Nếu Bộ tiếp tục duy trì xu hướng ra đề thi này thì nhiều em sẽ thấy không cần thiết phải đi học thêm nhiều như trước nữa.
Tuy nhiên đề thi này không có cho những HS thật giỏi cơ hội để thể hiện vì không có câu nào thật hay. Dự báo sẽ có nhiều điểm 9 và 9,5.
Lê Thị Thu Hương
(Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Vinh, Nghệ An)
Không quá khó
Đề không khó nhưng cũng không phải là quá dễ. Những phần TS hay e ngại như Phrasal verbs, reading, correction... không quá khó đến nỗi không làm được. Phần viết thì không gây trở ngại cho TS.
Phạm Hùng
(Trường THPT Marie Curie, TP.HCM)
Ít HS có điểm dưới trung bình
Phần viết luận có chủ đề quen thuộc và có sẵn gợi ý. Phần viết có 5 câu trong đó 2 câu hỏi kiến thức cơ bản, 3 câu hỏi nâng cao không đáng kể. Hai đoạn văn đọc hiểu cũng không phải quá khó chỉ cần học trò chịu khó đọc và suy luận thì sẽ tìm ra câu trả lời. Phần đoạn văn điền từ cũng chỉ có khoảng 3 câu khó. Hay phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, nhìn từ thì lạ nhưng dựa vào ngữ cảnh sẽ tìm ngay ra đáp án đúng... Phần trắc nghiệm tổng quát có khoảng 3 câu khó còn hơn 10 câu còn lại khá dễ. Với đề thi này tỷ lệ HS điểm dưới trung bình sẽ ít hơn so với đề minh họa của Bộ.
Lê Thanh Tùng
(Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) |