Tin tức Tuyển sinh


Liệu có bất lợi cho thí sinh khi xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng?

 

Thí sinh xếp hàng chờ nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Sài Gòn năm 2014 - Ảnh: Như Hùng

 
* PGS.TS Lê Hữu Lập (nguyên phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, hiện là phát ngôn báo chí truyền thông của học viện):
 
16 lựa chọn: nghe có vẻ dồi dào...
 
Việc Bộ GD-ĐT “khống chế” tỉ lệ trúng tuyển theo khối thi mới chỉ tối đa 25% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, 75% chỉ tiêu còn lại dành cho khối thi truyền thống là một quyết định đúng đắn. Nếu không có “mức trần” này, sẽ không tránh khỏi việc rối tung với khối thi mới.
 
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh có bốn giấy chứng nhận kết quả thi và các giấy này sẽ có mã vạch để nhận diện cho từng đợt xét tuyển sao cho mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được sử dụng một giấy đăng ký vào một trường. Đây được xem là biện pháp giảm ảo cho thí sinh nhưng đang lộ ra bất cập.
 
Thứ nhất, thông thường quy định chung của Bộ GD-ĐT là mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày, sau đó trường sẽ mất ít nhất 5 ngày để tổng hợp, thống kê thông báo trúng tuyển sau đợt xét tuyển. Như vậy, với bốn đợt xét tuyển thì thời gian xét tuyển sẽ kéo dài khoảng 100 ngày.
 
Trường nào buộc phải sử dụng tối đa thời gian xét tuyển này thì thí sinh trúng tuyển đợt đầu và đợt cuối sẽ nhập học cách nhau gần ba tháng, gây khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo.
 
Theo tôi, nếu có bốn đợt xét tuyển thế này thì nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn 10-15 ngày so với quy định 20 ngày trước đây.
 
Về phía thí sinh, quy định này của Bộ GD-ĐT gây bất lợi cho các em.
 
Trước đây, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển cùng lúc ba trường cho từng đợt xét tuyển, cơ hội lựa chọn của các em lớn hơn nhiều so với việc “đóng đinh” vào một trường trong một đợt xét tuyển.
 
Cho nên, nói bốn đợt xét tuyển tương đương 16 nguyện vọng nghe có vẻ dồi dào, nhưng kỳ thực các em chỉ có một lựa chọn vào một trường ở từng đợt xét tuyển (cho dù được lựa chọn bốn ngành khác nhau theo với số ưu tiên xác định trong cùng trường).
 
Với lý do này, tôi cho rằng chỉ nên đánh mã vạch để phân biệt giấy chứng nhận kết quả thi đăng ký xét tuyển đợt 1, ba giấy còn lại có quyền sử dụng như nhau mà không cần cầu kỳ mã vạch.
 
* ThS Thái Doãn Thanh (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):
 
Cần làm rõ cơ sở nào thí sinh được chọn ngành theo xét tuyển
 
Trong dự thảo chỉ mới đề cập việc những thí sinh nào dự thi mà lấy kết quả xét vào ĐH, CĐ là đóng lệ phí thi. Chưa đề cập nguồn tài chính hỗ trợ khác cho trường chủ trì cụm thi, bởi vì trường chủ trì sẽ phải lo trả tiền cho các khoản tổ chức thi. Nếu chỉ tổ chức thi tốt nghiệp, kinh phí hỗ trợ do tỉnh chi.
 
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào kinh phí đóng của thí sinh thì trường tổ chức thi sẽ rất khó khăn, vì vậy cần phải xác định rõ ràng, kinh phí các tỉnh hỗ trợ các cụm thi như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế.
 

Nhìn chung, quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là quy chế tích hợp giữa thi tốt nghiệp THPT với thi tuyển sinh, cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Còn một vài điểm cần phải bổ sung và làm rõ để trong quá trình thực hiện không bị vướng mắc.

Đối với quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy thực chất là quy chế tuyển sinh cũ, bỏ phần thi chung đi. Tuy nhiên, trong phương án xét tuyển dù đã loại bỏ yếu tố ảo khá tốt, nhưng cần làm rõ cơ sở nào thí sinh được quyền chọn bốn ngành trong một lần xét tuyển.
 
* ThS Hứa Minh Tuấn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing):
 
Xét tuyển nên 3 đợt
 
Bộ GD-ĐT áp dụng thang điểm 20, đồng thời quy định đối với xét tốt nghiệp THPT có điểm liệt là 2 điểm nhưng tuyển sinh ĐH, CĐ lại không có quy định điểm liệt. Cần phải có quy định về điểm liệt trong xét tuyển ĐH, CĐ.
 
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ quy định ưu tiên đối tượng 1 điểm, ưu tiên khu vực 0,5 điểm đối với thang điểm 10 nhân 2.
 
Theo tôi, về nguyên tắc không thể nhân 2 theo thang điểm như vậy được mà cần quy định rõ ưu tiên khu vực 1 điểm, ưu tiên đối tượng 2 điểm.
 
Đối với các trường tuyển sinh riêng, hiện nay có nhiều trường dựa vào hai tiêu chí: điểm học bạ (điều kiện cần) và điểm kỳ thi THPT quốc gia, nhưng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chủ yếu dựa vào điểm kỳ thi THPT quốc gia, còn dữ liệu điểm học bạ không thấy đề cập. Bộ hỗ trợ cho các trường ĐH, CĐ xử lý dữ liệu này thế nào?
 
Theo tôi, chỉ cần ba đợt xét tuyển, trong đó mỗi đợt ba nguyện vọng để giảm bớt số thí sinh ảo. Về phiếu đăng ký xét tuyển sẽ gây áp lực đối với các trường tổ chức thi. Các trường phải in và đóng dấu kết quả thi của thí sinh rất vất vả.
 
Nếu quy trình này chậm sẽ ảnh hưởng đến công tác xét tuyển của thí sinh cũng như các trường khác.
 
Vì thế Bộ GD-ĐT nên có phần mềm cho phép thí sinh được đăng ký qua mạng. Sau khi thí sinh đăng ký xong các trường tổ chức thi gửi phiếu kết quả cho thí sinh, làm cơ sở cho các trường hậu kiểm.
 

NGỌC HÀ - T.HUỲNH ghi
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141222/lieu-co-bat-loi-cho-thi-sinh-khi-xet-tuyen-vao-dh-cd/688596.html

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.