GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân ghi nhận một số vấn đề đặt ra đối với giáo dục ĐH ở Huế - Đà Nẵng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
1. Về quy mô đào tạo, 8 trường đại học và cao đẳng ở Huế và Đà Nẵng trong năm học 2008-2009 đào tạo 217.336 sinh viên, trong đó có 82.674 sinh viên chính quy (38,04%). Số sinh viên không chính quy ở địa bàn Huế và Đà Nẵng khá cao, 61459 sinh viên (28,3%). Số sinh viên đào tạo từ xa, chủ yếu từ hai đại học vùng Huế và Đằ Nẵng, cũng khá nhiều, 61.101 sinh viên, chiếm tỉ trọng 28,1%.
Ở Đại học Huế, số sinh viên chính quy năm học 2008-2009 chỉ bằng 26,6% tổng số sinh viên trường đào tạo. Số sinh viên không chính quy bằng 19% và số sinh viên đào tạo từ xa chiếm đến 51,5%!
Tình hình đội ngũ giảng viên cơ hữu ở các trình độ tại các trường
|
Ở Đại học Đà Nẵng, các tỉ lệ tương ứng lần lượt là 39,2%, 41,8% và 13,1%. Tỉ lệ sinh viên chính quy tuy có cao hơn ở ĐH Huế, vẫn dưới 40%. Số sinh viên đào tạo từ xa ít hơn ở Đại học Huế (13,1% so với 51,5%), nhưng ngược lại, số sinh viên không chính quy lại cao hơn hẵn (41,8% so với 19%).
Tình trạng đào tạo nhiều sinh viên không chính quy và từ xa không phải mới gần đây mà từ nhiều năm nay. Vì vậy các câu hỏi sau đây cần được làm rõ:
[1] Đây có phải là đặc thù của riêng hai đại học vùng ở miền Trung?
[2] Đào tạo không chính quy và đào tạo từ xa là nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức giao (qua chỉ tiêu hàng năm) hay là vì để tăng nguồn thu mà trường phải đào tạo nhiều hai loại hình sinh viên này, hay là vì cả hai?
[3] Tỉ lệ sinh viên chính quy thấp, liệu chức năng nhiệm vụ của hai Đại học có bị lệch hướng không?
[4] Liệu chất lượng đào tạo không chính quy và từ xa có được bảo đảm hay không? Sản phẩm của hai loại hình đào tạo này chất lượng ra sao? Cách quy đổi do Bộ đề ra 5 - 6 sinh viên không chính quy (và nhiều hơn nữa cho đào tạo từ xa) bằng một sinh viên chính quy, bản thân nó phải chăng đã nói lên sự chấp nhận tiên thiên có một sự “giảm giá” nào đó đối với hai loại hình đào tạo này?
2. Về đội ngũ giảng viên, theo số liệu của 8 trường tổng hợp lại, số giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở xuống chiếm tỉ trọng trong tổng số giảng viên cơ hữu từ 67,1% đến 100%. Tỉ trọng của số giảng viên có trình độ thạc sĩ là từ 20,1% (thấp nhất, ở ĐH tư thục Kiến trúc) đến 43,3% (cao nhất, ở ĐH Sư phạm Huế). Ở hai dại học vùng Huế và Đà Nẵng, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt 11,5% và 9,4%.
Số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ còn rất khiêm tốn. Ngược lại, số giảng viên có trình độ thạc sĩ cộng với số có trình độ đại học lại quá cao, chiếm 79,7% ở Đại hoc Huế, và 87,2% ở Đại học Đà Nẵng.
Ở Đại học Sư phạm Huế, theo báo cáo của trường, năm học 2008-2009 tổng số giảng viên thỉnh giảng bằng 1,43 lần số giảng viên cơ hữu, trong đó số “tiến sĩ thỉnh giảng” bằng 3,41 lần số “tiến sĩ cơ hữu”.
Với số lượng 27 chuyên ngành mà trường được Bộ cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, đối chiếu với số “tiến sĩ cơ hữu” của trường (63 vị), việc trường mời số “tiến sĩ thỉnh giảng” gấp 3,41 lần số tiến sĩ cơ hữu của trường là điều có thể hiểu được, nhưng liệu sự phát triển như vậy có căn cơ và bền vững về lâu dài?
Số 215 tiến sĩ mà Đại học Sư phạm Huế thỉnh giảng đến từ đâu, bao nhiêu đến từ các trường thành viên khác của Đại học Huế cũng cần được làm rõ.
3. Về học phí và tổng mức đầu tư trên sinh viên, báo cáo của các trường về phần này chất lượng không đồng đều, thiếu nhiều số liệu và không đồng bộ, nên rất khó tổng hợp để có một cái nhìn khái quát, thống nhất và đầy đủ chi tiết.
Đại học Huế cho biết học phí của sinh viên chính quy trong ba năm 2007, 2008 và 2009 là 1,383, 1,566 và 1,666 triệu đồng/sv/năm. Ở Đại học Sư phạm Huế, sinh viên chính quy không phải trả học phí. Bộ cấp lại cho trường 1,8 triệu đồng/sv/năm trong lúc trường phải đầu tư vào khoảng 4,25 triệu đồng/sv/năm.
Ở trường Cao Đẳng công lập CNTT Việt Hàn, học phí thu theo niên chế là 200.000 đồng/sv/năm; thu theo tín chỉ là 60.000 đồng/sv/tín chỉ (hiện có 108-120 tín chỉ).
Trường Đại học dân lập Duy Tân thu học phí theo tín chỉ từ 200.000 đến 250.000 đồng/tín chỉ. Sinh viên học 19 tín được giảm, chỉ đóng 16, tức là vào khoảng 3.600.000 đồng.
Đầu tư hàng năm từ ngân sách nhà nước (cho chi thường xuyên + đầu tư xây dựng cơ bản + đầu tư thiết bị thí nghiệm thực hành + kinh phí chương trình mục tiêu) như sau tại hai Đại học vùng Huế và Đà Nẵng:
Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho mỗi sinh viên chính quy tại hai Đại học Huế và Đà Nẵng, và đầu tư của Đại học dân lập Duy Tân cho mỗi sinh viên chính quy tại Đại học này cho thấy suất đầu tư cho một sinh viên chính quy ở ĐH Đà Nẵng thấp hơn ở ĐH Huế, bằng từ gần phân nửa đến 2/3, và mặc dù Đại học dân lập Duy Tân không nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đầu tư của trường nhìn chung tương đương và có phần cao hơn đầu tư của ngân sách nhà nước cho mỗi sinh viên chính quy ở Đại học Huế [1].
Nếu xem xét tổng kinh phí cho mỗi sinh viên (tất cả các loại hình đào tạo không quy đổi) tại ba trường, thì suất chi cho một sinh viên ở ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng tụt hẵn và thấp hơn nhiều so với ở ĐH Duy Tân.
Các số liệu trên đây, một lần nữa cho thấy sự cần thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo các mặt lợi và hại của việc đào tạo quá nhiều loại hình không chính quy và từ xa tại hai trường đại học vùng.
[1] Những đột biến trong suất đầu tư của Đại học Duy Tân tương ứng với những năm có đầu tư quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng và/hay để mua giáo trình “trọn gói”, như trong năm học 2008-2009.
Đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng (triệu VNĐ)
|
Kinh phí cho mỗi sinh viên tại ĐH Huế, Đà Nẵng, và DL Duy Tân |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tổng kinh phí chi thường xuyên trên sinh viên tại ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH DL Duy Tân (triệu đồng/sinh viên) |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
( Nguồn baodatviet.vn 22/03/2010)