Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội thực hiện chuyến đi khám bệnh cho người dân vùng lũ lụt - Ảnh: Ngọc Thắng
Chỉ xét thí sinh ở cụm thi do trường ĐH tổ chức
|
|
Cần chấm dứt đào tạo cử tuyển và liên thông
Hội nghị cũng đánh giá về chất lượng đào tạo hệ cử tuyển ở các trường ĐH y. Theo đánh giá của các trường thì việc đào tạo hệ này vất vả mà chất lượng không cao. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết khi đi khảo sát ở các địa phương thì thấy có tỉnh cần, có tỉnh không cần hệ này nữa. Vì vậy các trường cần rà soát lại nhu cầu của xã hội để có thể dừng hệ đào tạo này. Ông Nguyễn Đức Hinh cũng đề nghị các trường nên chấm dứt đào tạo hệ chuyên tu và liên thông để sớm nâng cao chất lượng.
|
|
|
Ông Nguyễn Đức Hinh, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y - dược, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đề xuất phương án tuyển sinh của trường dựa vào kết quả sơ tuyển và kỳ thi quốc gia. Các môn để xét tuyển là toán, hóa, sinh, không nhân hệ số. Trường sẽ đề xuất cho phép cụm thi chuyên y tại trường để xét tuyển thí sinh (TS) vào Trường ĐH Y Hà Nội và các trường y khác, chứ không cần sự tham gia của địa phương. Ông Hinh cho biết nếu phương án này được đồng thuận thì sẽ thực hiện chung trong tất cả các trường y - dược (trực thuộc Bộ Y tế). Ngoài ra nếu Bộ GD-ĐT quy định TS đăng ký nguyện vọng trước, xét tuyển sau thì trường sẽ thực hiện sơ tuyển, chỉ lấy TS có điểm trung bình của mỗi môn toán, sinh, hóa từ 7 điểm trở lên đối với hệ bác sĩ, từ 6 điểm trở lên đối với hệ cử nhân.
Ý kiến này của ông Hinh đã không nhận được sự đồng tình của một số đại biểu. Ông Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền cho rằng: “Các trường có cách tuyển sinh khác nhau, không nên thống nhất một chuẩn. Việc thi điểm đầu vào cao chưa chắc đầu ra đã cao. Học viện sẽ xét tuyển TS có kết quả học tập các môn toán, lý, hóa đạt điểm 7 trở lên và xét thêm một môn tự chọn có điểm từ 7 trở lên, có thể là môn sử, địa cũng được”.
Tuy nhiên, ý kiến này lập tức bị phản bác. Đại diện Trường ĐH Y Dược TP.HCM nói: “Chúng ta phải thống nhất để tạo điều kiện tối đa cho TS, không nên làm phức tạp tình hình, nhưng phải tuyển được những người giỏi nhất”. Theo đại diện của trường này thì học ngành y đòi hỏi người học phải có kiến thức rất cao và giỏi về nhiều môn. Tuy nhiên trường chỉ xét tối thiểu 3 môn thi do cụm thi ĐH tổ chức chứ không xét thêm môn gì vì TS tốt nghiệp THPT là đã đạt trình độ cơ bản rồi”.
Ý kiến trên nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu. Đại diện Trường ĐH Y Hải Phòng cho rằng việc xét 3 môn thi ở cụm thi ĐH cũng là ổn rồi. Hơn nữa cụm thi này cũng là do các trường ĐH chủ trì nên có thể yên tâm về chất lượng để xét tuyển, không cần phải kiến nghị gì thêm.
Thống nhất chọn 3 môn toán, hóa, sinh
|
“Chúng ta thống nhất là xét tuyển 3 môn khối B (toán, hóa, sinh) để tránh gây xáo trộn, ngoài ra các trường có yêu cầu gì thêm thì tùy theo từng trường”
Ông Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội
|
|
|
Hội nghị càng nóng lên khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra đề xuất có thể lấy 3 môn toán, văn, ngoại ngữ kỳ thi quốc gia để xét tuyển cộng với một môn thi sinh cho khối ngành y và môn thi hóa cho ngành dược. Bà Tiến nói: “Toán, văn, ngoại ngữ là 3 môn quan trọng và là 3 môn cơ bản để đánh giá trình độ của TS. Khối ngành sức khỏe cần TS có kiến thức toàn diện. Vì vậy dùng 3 môn này để xét tuyển. Nếu TS vào ngành y thì chọn thêm môn sinh, vào ngành dược thì chọn thêm môn hóa”. Đồng thời bà Tiến cũng đề nghị các trường cần thống nhất nguyên tắc tuyển chọn để có thể liên thông với nhau, giúp TS không trúng tuyển của trường này có thể chuyển sang trường khác.
Nhiều đại biểu tỏ ra tán đồng với phương án này, tuy nhiên ông Hinh lưu ý: “Đây là phương án hay và đơn giản nhưng các trường cần nghĩ đến học sinh. Các em đã ôn thi khối B từ năm lớp 10 rồi, nếu đùng một cái thay đổi khối thi thì các em sẽ sốc”. Bà Tiến cự lại: “Thì các em thi tốt nghiệp đã 4 môn rồi, trong đó có 3 môn toán, văn, ngoại ngữ”. Ông Vũ Đình Chính (Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương) cũng ủng hộ ý kiến của bà Tiến: “TS sẽ không sốc đâu vì năm nào các em cũng phải thi 3 môn ấy rồi. Nếu muốn an toàn thì môn toán, sinh có thể nhân hệ số 2, còn môn văn, ngoại ngữ thì hệ số 1. Việc chọn như vậy sẽ bớt đi một môn thi cho TS và nên đột phá để xét tuyển”.
Thế nhưng những ý kiến nói trên vẫn không thuyết phục được ông Hinh. Ông Hinh khuyến cáo: “Các trường cần giữ nguyên khối thi và chỉ nên thay đổi khi thông báo cho các em trước 3 năm”.
Trao đổi riêng với PV Thanh Niên, ông Hinh cho biết mặc dù TS thi 3 môn đó ở kỳ thi tốt nghiệp nhưng các em học để thi tốt nghiệp khác với việc học để thi ĐH. Nếu yêu cầu TS thi ĐH ngay 3 môn mới như vậy mà các em chưa chuẩn bị kỹ thì sẽ gây sốc cho các em.
Kết thúc hội nghị, ông Hinh đã nhận được sự đồng thuận của các trường. Ông Hinh kết luận: “Chúng ta thống nhất là xét tuyển 3 môn khối B (toán, hóa, sinh) để tránh gây xáo trộn, ngoài ra các trường có yêu cầu gì thêm thì tùy theo từng trường”.
Vũ Thơ
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141010/phuong-an-xet-tuyen-vao-cac-truong-y-duoc.aspx