Tin tức Tuyển sinh


Thấp thỏm ra phương án tuyển sinh riêng

 

Thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2014. Ảnh: Đức Hạnh

 
Liên tục thay đổi
 
Đầu năm 2014, Bộ GDĐT ra văn bản yêu cầu các trường phải hoàn thành và công bố đề án tuyển sinh riêng trong tháng 9.2014. Nhiều trường cho rằng, lộ trình bỏ “3 chung” và thay bằng việc tuyển sinh riêng của các trường là phù hợp vì không gây quá nhiều xáo trộn cho học sinh phổ thông. Đầu tháng 9.2014, Bộ GDĐT chính thức công bố năm 2015 tổ chức một kỳ thi quốc gia chung, lấy kết quả để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ đồng thời yêu cầu trước ngày 1.1 hàng năm, các học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
 
Tiếp đó, đến ngày 19.9, Bộ GDĐT lại ra công văn hướng dẫn khác gửi các cơ sở giáo dục ĐH yêu cầu các trường xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm qua để xét tuyển. Đồng thời quy định trên cơ sở các môn thi đã được xác định để tuyển sinh vào từng ngành đào tạo, các trường gửi báo cáo về Bộ GDĐT trước ngày 15.10.2014.
 
Theo Bộ GDĐT, các trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể: Lấy điểm những môn nào? Các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ra sao? Hệ số tính điểm của mỗi môn? Tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung với hình thức nào?... để xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.
 
Trước những thay đổi liên tục này của Bộ GDĐT, nhiều trường đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng theo hướng thi tuyển hoặc thi tích hợp đã buộc phải thay đổi toàn bộ phương án của mình.
 
Chưa dám công bố vì sợ sẽ còn thay đổi
 
Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, đến thời điểm này Bộ vẫn chưa ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn nên nhiều trường chưa dám chốt phương án cũng như công bố phương án xét tuyển vì sợ sẽ còn những thay đổi khác.
 
ĐH Quốc gia TPHCM đã phải thay đổi toàn bộ dự thảo đề án tuyển sinh từ đánh giá năng lực dựa vào các môn thi tích hợp như: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Anh văn và năng khiếu sang không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển, chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia do Bộ tổ chức năm 2015. Đến thời điểm này, đề án của ĐH Quốc gia TPHCM vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến và chưa công bố chính thức.
 
ĐH Kinh tế TPHCM đã hoàn tất đề án tuyển sinh gửi Bộ vào tháng 8.2014 theo hướng chỉ thi tuyển 2 môn toán và Anh văn, đến nay cũng đang phải chỉnh lại đề án để phù hợp quy định của Bộ: Không tổ chức thi riêng, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia, giữ lại khối thi cũ và có khả năng bổ sung thêm khối D1.
 
Nhiều trường ĐH khác như ĐH Tài chính Marketing, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Giao thông vận tải TPHCM… cũng phải chỉnh sửa lại toàn bộ đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, đại diện các trường cũng băn khoăn với tình thế hiện nay không ngoại trừ khả năng Bộ GDĐT lại tiếp tục có thay đổi nữa.
 
Lãnh đạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết, thực chất các trường không có sự chủ động. Lộ trình cải tiến kỳ thi 3 chung Bộ đưa ra không nhất quán. Văn bản Bộ ban hành cũng không nhất quán. Chỉ riêng thời hạn các trường nộp đề án tuyển sinh đã đổi tới 3 lần. Bộ yêu cầu trường xây dựng quy định thực hiện trong đề án nhưng quy chế Bộ chưa có nên các trường vừa cứ phải vừa làm đề án vừa học.
 
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, Bộ cần sớm ban hành quy chế chung, kèm theo các hướng dẫn cụ thể về những điểm mới của kỳ thi để các trường an tâm chốt đề án. Một khi chưa có quy chế chính thức thì các trường còn hồi hộp lo sợ những quy định thay đổi đột ngột của Bộ về kỳ thi này.
 
Một chuyên gia giáo dục cho biết, điều quan trọng nhất trong giáo dục chính là sự ổn định mang tính chất lâu dài. Tuy nhiên, Bộ GDĐT lại liên tục thay đổi  khiến không chỉ các trường thấy lúng túng mà còn tạo tâm lý bất ổn cho cả phụ huynh và học sinh.
 
Bạch Dương
http://laodong.com.vn/giao-duc/thap-thom-ra-phuong-an-tuyen-sinh-rieng-254421.bld

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.