Tin tức Tuyển sinh


Tuyển sinh 2015: Cần chốt đề án tuyển sinh

Nhìn qua một số đề án đã công bố, dư luận nghi ngại liệu các trường có tận thu, vơ vét thí sinh cho bằng được bất kể chất lượng?
 
Những bối rối này xuất phát từ việc Bộ chậm trễ ban hành quy chế mới cho một kỳ thi quốc gia. Trong khi đó những chủ trương quan trọng, văn bản hướng dẫn cho kỳ thi chung sắp tới lại thiếu nhất quán. Các trường khi làm dự thảo đề án cứ chờ quy chế của Bộ. Ngược lại, có vẻ như Bộ cũng đang chờ đề án các trường thế nào để ban hành quy chế. Cứ thế mà thời hạn nộp đề án đổi tới 3 lần…
 
Bối rối còn vì có nhiều độ vênh giữa chủ trương và các luật định; giữa mong muốn đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH và sự cần thiết phải giữ tính ổn định trong lần đầu tiên thực hiện kỳ thi quốc gia. Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường thực hiện tuyển sinh riêng thì trên nguyên tắc trường có thể không sử dụng kết quả kỳ thi chung để xét tuyển. Nhưng nếu như vậy, một kỳ thi sắp tới sẽ vô nghĩa. Thế nên phần lớn các trường buộc phải làm đề án xét tuyển riêng trên nền tảng sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia. Đó là chưa kể, các trường vừa ngại thay đổi vừa muốn ổn định nên cũng chẳng dại đột phá làm gì.
 
Để tránh trường hợp thí sinh lách vào ĐH dễ dàng, đã có ý kiến đề nghị Bộ cần quy định những trường dùng kết quả cụm thi do trường ĐH chủ trì thì tuyệt đối không được xét kết quả thí sinh từ cụm thi do địa phương tổ chức (cho thí sinh chưa có ý định vào ĐH, CĐ). Nhưng rồi Bộ cũng không dám quyết điều này vì sợ dư luận lên án chặn cơ hội học tập của thí sinh, ngại hạn chế nguồn tuyển của các trường khiến nhiều trường tốp dưới sẽ lâm vào cảnh không có người học… Vậy nên Bộ vẫn cho phép các trường được xét tuyển thí sinh ở cả 2 loại cụm thi nhưng trong đề án phải chỉ rõ bao nhiêu chỉ tiêu lấy từ kết quả kỳ thi quốc gia, bao nhiêu từ kết quả học phổ thông. Trên nguyên tắc, điều này có vẻ rất chặt chẽ nhưng thực tế trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, rất khó kiểm soát tỷ lệ chỉ tiêu các trường vừa xét tuyển thí sinh theo kỳ thi “3 chung” vừa dựa vào điểm học bạ.

Chính những người làm công tác tuyển sinh ở các trường ĐH thừa nhận đây là điều Bộ không dễ kiểm soát nếu các trường cố tình muốn làm sai. Chính vì vậy, xem qua một số dự thảo đề án tuyển sinh của các trường còn đang chờ lấy ý kiến, ngoại trừ những trường lớn, nhiều trường kể cả công lập đều có xu hướng vừa sử dụng kết quả kỳ thi chung vừa xét kết quả học bạ THPT.
 
Xem ra mong muốn đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH vẫn chưa thể giải quyết được cho dù thực hiện một kỳ thi quốc gia như sẽ diễn ra trong năm 2015.
 
Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề phải giải quyết khi có những thay đổi căn bản trong tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới. Thí sinh từ đăng ký dự thi bằng giấy có thể chuyển qua mạng, từ đăng ký nguyện vọng trước khi thi sang sau khi có kết quả, từ giới hạn nộp giấy báo điểm như mọi năm sang khả năng không còn giới hạn nữa…
 
Một kỳ thi quốc gia sắp diễn ra buộc cả một dây chuyền phải chuyển động từ thí sinh, trường THPT, các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ. Vì thế nên sớm có quy định cần thiết, nhằm ổn định, tránh xáo trộn, lúng túng khi thời gian thực hiện không còn nhiều.
 
Nhiên An
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141006/can-chot-de-an-tuyen-sinh.aspx

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.