Tin tức Tuyển sinh


Một kỳ thi quốc gia: Sẽ chọn phương án không gây sốc

Thí sinh dự thi ĐH-CĐ năm 2014 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

 
Ngày 25.8, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, vẫn chỉ có 3 phương án đã được công bố để lấy ý kiến của xã hội”.
 
* Có thông tin cho rằng kỳ thi chung quốc gia năm 2015 sẽ được áp dụng bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, thí sinh sẽ thi tất cả các môn thi trong một bài thi và trong một buổi thi?
 
- Đây là phương án được ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng trong đề án tuyển sinh riêng thực hiện từ năm 2015. Bộ mới chỉ nhận được đề xuất áp dụng riêng cho ĐH này. Gần đây có ý kiến cho rằng phương án này có thể áp dụng chung cho kỳ thi quốc gia nhưng đây chỉ mới là ý kiến đề xuất. Đến thời điểm hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến đề án thi với 3 phương án đề thi. Nếu có phương án nào hợp lý hơn thì Bộ vẫn tiếp thu để trình Chính phủ.
 
* Vậy ông đánh giá như thế nào về phương án đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội nếu được đem ra áp dụng cho kỳ thi chung?
 
- Đây chỉ là một trong rất nhiều phương án mà Bộ GD-ĐT nhận được. Trước khi đưa ra 3 phương án để lấy ý kiến của xã hội, Bộ cũng đã xem xét đến các phương án này rồi. Có rất nhiều phương án được xem là hay nhưng nếu đem ra áp dụng thì tính khả thi chưa cao trong thời điểm hiện nay, khi việc dạy và học ở bậc phổ thông chưa thay đổi gì nhiều. Phương án của  ĐH Quốc gia Hà Nội rất tiến bộ nhưng nếu áp dụng cho kỳ thi chung thì còn phải cân nhắc rất nhiều. Nếu phương án này dùng để tuyển sinh riêng vào ĐH này thì thí sinh được tự nguyện tham gia. Nhưng nếu là bài thi bắt buộc, yêu cầu tất cả các thí sinh phải thi trong kỳ thi quốc gia thì còn phải xem xét rất nhiều góc độ.
 
Sự đổi mới thi cử phải có quá trình để học sinh thích nghi với cách kiểm tra, năng lực kiến thức mới. Nếu áp dụng ngay cách thi này trong khi việc học tập ở bậc phổ thông chưa tương thích thì sẽ gây sốc cho học sinh. Quan điểm của Bộ là rất cầu thị, tiếp thu và chỉnh sửa các phương án đã công bố để có được phương án phù hợp nhất. Nếu có phương án khác được dư luận đồng tình ủng hộ và đặc biệt không gây sốc cho thí sinh thì Bộ cũng tiếp thu để cân nhắc khả năng áp dụng.
 
* Có phương án đưa ra là thí sinh vẫn thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ sau đó làm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Điều này liệu có khả thi không?
 
- Đó cũng là một phương án có thể áp dụng cho kỳ thi chung thay thế cho các phương án 2 và 3 mà Bộ đã công bố. Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, việc ra đề thi theo kiểu tích hợp để kiểm tra năng lực của thí sinh khi chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học ở phổ thông chưa thay đổi thì sẽ phải cân nhắc thận trọng. Bộ cũng đặt ra lộ trình tiến tới bài thi tích hợp nhưng phải có giai đoạn để thí sinh làm quen. Vì vậy các phương án 2 và 3 đề xuất bài thi tổng hợp, đơn giản hóa các môn thi để tránh thi cử nặng nề như trước đây. Sau này, những bài thi tổng hợp đó sẽ chuyển thành bài thi tích hợp khi học sinh phổ thông đã có bước chuẩn bị sẵn sàng cho phương thức thi mới.          
                     
Phương án thi của ĐH Quốc gia Hà Nội
 
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định rằng ĐH này chưa đề xuất phương án này với Bộ GD-ĐT. Đây chỉ là phương án do ĐH Quốc gia Hà Nội chuẩn bị để tổ chức tuyển sinh riêng vào năm 2015. Nếu Bộ GD-ĐT và Chính phủ xem xét thì có thể đem ra áp dụng vào kỳ thi chung quốc gia dự kiến tổ chức vào năm 2015.
 

Bài thi tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: toán; ngữ văn; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội. Toán và ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu trắc nghiệm. Khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu trắc nghiệm. Tổng số toàn đề thi có 180 câu, thí sinh làm bài là 215 phút.

 
Vũ Thơ (thực hiện)
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140825/mot-ky-thi-quoc-gia-se-chon-phuong-an-khong-gay-soc.aspx

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.