* Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Hiện nay chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay sau đó là kỳ thi tuyển sinh vào đại học, rồi vào cao đẳng. Như vậy tổng cộng là 3 đợt thi, quá nặng nề. Hơn 13 năm nay, chúng ta đã tổ chức kỳ thi ĐH-CĐ 3 chung như vậy và xã hội cũng đã phàn nàn rất nhiều về độ phức tạp, tốn kém, nặng nề đối với thí sinh cũng như toàn xã hội. Vì vậy, ngay từ năm 2011, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu phương án đổi mới thi cử sao cho nhẹ nhàng nhất. Những ý tưởng đó cũng đã được đưa vào Luật Giáo dục đại học năm 2013 để giao các trường ĐH-CĐ tự chủ tuyển sinh. Sau đó, đến Nghị quyết 29 của Trung ương cũng đã khẳng định giao cho các trường tự chủ tuyển sinh.
Vì vậy, việc chúng ta phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT chọn định hướng chỉ còn 1 kỳ thi với cả 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở dữ liệu để xét tuyển vào ĐH-CĐ.
* Việc sử dụng kết quả kỳ thi này có là cách duy nhất để tuyển sinh vào ĐH-CĐ hay không, thưa Thứ trưởng?
* Đó không phải là cách duy nhất để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Khác với kỳ thi ĐH-CĐ 3 chung bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả thi để tuyển sinh với những quy định hết sức ngặt nghèo. Còn với 1 kỳ thi quốc gia này, các trường được tự chủ tuyển sinh, tức là Bộ GD-ĐT chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu qua kết quả kỳ thi chung, còn sử dụng hay không là quyền của các trường. Các trường hoặc có thể sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi để tuyển sinh, hoặc các trường chỉ sử dụng một phần và kết hợp với những khâu kiểm tra riêng của mình về năng lực thí sinh, chỉ số thông minh. Thậm chí nếu thấy cần thiết, các trường hoàn toàn có thể tổ chức 1 kỳ thi riêng vào trường mình để bảo đảm chất lượng tốt nhất.
* Hầu hết các trường ĐH-CĐ đều ủng hộ chỉ còn 1 kỳ thi để tránh áp lực, tốn kém. Nhưng các trường cũng lo kỳ thi quốc gia sắp tới, với hình thức tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay sẽ không bảo đảm tính trung thực. Vì vậy mà nhiều trường đại học có uy tín tuyên bố sẽ tổ chức thi riêng. Như vậy thì mục đích của 1 kỳ thi quốc gia này không đạt được. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kỳ thi này thế nào để các trường có thể tin tưởng?
* Rõ ràng độ tin cậy của kỳ thi này là yếu tố rất quan trọng để các trường sử dụng. Tâm lý của các trường hiện nay là chưa yên tâm về độ tin cậy của kỳ thi. Tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ 2014 vừa qua các trường cũng đã thẳng thắn nói ra điều đó. Bởi nếu kết quả kỳ thi đó không tin cậy, các trường ĐH-CĐ không sử dụng, từng trường phải tự tổ chức thi riêng vào trường thì rõ ràng tất tốn kém, phức tạp và mục đích của kỳ thi coi như bị phá sản. Vì vậy, trong phương án mà Bộ GD-ĐT về kỳ thi này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để bảo đảm sự trung thực của kỳ thi, ví dụ như tổ chức thành các cụm thi ở từng tỉnh; tổ chức chấm thi chung các cụm liên tỉnh ở các vùng; cán bộ coi thi, chấm thi gồm cả cán bộ Sở GD-ĐT, các trường THPT và các trường ĐH-CĐ cùng tham gia. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thật tốt công tác thanh tra, giám sát kỳ thi để bảo đảm kỳ thi diễn ra trung thực.
* Nhưng dù vậy thì nhiều trường đại học tốp trên như ĐH Y Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân... vẫn tuyên bố, họ sẽ phải thi riêng. Vậy bên cạnh các giải pháp để tổ chức kỳ thi trung thực, thì đề thi phải ra như thế nào để bảo đảm sự phân hóa, để các trường tốp trên có thể chọn được những thí sinh giỏi?
* Kinh nghiệm trong những năm gần đây, chúng ta đã có sự đổi mới cách ra đề thi, đó là có sự phân loại học sinh khá tốt. Cách ra đề hiện nay là giúp cho học sinh giỏi có thể đạt điểm cao, còn học sinh trung bình cũng có thể làm được một phần bài thi của mình. Đề thi này sẽ sử dụng phần kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, và phần kiến thức nâng cao để xét tuyển vào ĐH-CĐ. Như vậy, tính phân loại, kiểm tra năng lực học sinh thể hiện rất rõ trong đề thi. Có thể tin tưởng hoàn toàn về việc ra đề thi phù hợp cho cả 2 mục đích này trong kỳ thi từ năm 2015.
* Việc đổi mới thi cử áp dụng từ năm 2015, đang khiến không ít học sinh hoang mang, vậy Thứ trưởng có lời khuyên gì cho thí sinh, nhất là những thí sinh sẽ thi lại đại học vào năm tới?
* Với cách thi từ năm 2015 thì hầu như chưa có tác động gì đến cách dạy, cách học trong trường phổ thông. Vì dù năm tới thi theo phương án nào, thi theo môn hay bài thi tổng hợp (bài thi gồm nhiều môn) thì vẫn là những môn riêng rẽ, chưa yêu cầu học sinh phải sử dụng các kiến thức tích hợp. Vì vậy, các em học sinh không có gì phải lo lắng, kể cả những em năm tới thi lại. Các em vẫn học như bình thường. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, việc chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia rất có lợi cho học sinh, vì các em chỉ phải thi 1 kỳ thi mà có thể sử dụng kết quả thi đó để xét tuyển vào nhiều trường ĐH-CĐ khác nhau. Đặc biệt, các em thi xong rồi, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ, như vậy tránh hoàn toàn được những rủi ro cho các em như trước đây. Thi xong, có kết quả, tùy vào kết của mà các em đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp.
Còn những thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước rồi nhưng muốn thi lại ĐH-CĐ thì năm tới chỉ thi những môn mà các em muốn lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ, những môn không liên quan các em có thể không thi. Như vậy, cả về nội dung thi, cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều rất có lợi cho thí sinh.