Tin tức Tuyển sinh


Mức điểm tối thiểu vào Đại học dự kiến khoảng 13

Mức điểm tối thiểu vào đại học dự kiến khoảng 13

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển riêng vào một trường ĐH tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Trả lời phóng viên Thanh Niên xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng năm nay những thí sinh (TS) có mức điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào thì cũng có cơ hội trúng tuyển.
 
Bộ dự kiến phương án lấy các mức điểm như thế nào để xét tuyển vào ĐH, CĐ?
 

Trên cơ sở điểm thi của TS, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ công bố 3 mức điểm vào ĐH và 1 mức điểm vào CĐ cho từng khối thi. Trong đó, 3 mức vào ĐH sẽ có mức điểm tối thiểu (mức 1), mức điểm trung bình (mức 2) và mức điểm cao (mức 3). Mức điểm cao nhất dự kiến cũng có khoảng 15 - 20 trường đạt được.

Ông nhận định gì về phổ điểm thi năm nay? Mức điểm tối thiểu để xét tuyển vào ĐH sẽ như thế nào?
 
Phổ điểm của TS năm nay cao hơn năm trước. Cụ thể, số điểm mà TS đạt được nhiều nhất (phổ điểm) ở khối A năm nay là 14 điểm (năm trước là 9,5). Ở khối A1, phổ điểm năm nay là 14,5 (tăng hơn 3 điểm so với năm trước). Phổ điểm khối B là 15 điểm (năm trước là 12). Ở khối D, phổ điểm chỉ tăng từ 12,5 lên 13,5. Còn khối C thì vẫn ở 11 điểm (giống như năm trước). Do phổ điểm dịch chuyển về phía trên (phía TS có điểm cao - PV) nên nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn nhưng dự kiến mức điểm xét tuyển tối thiểu sẽ không thay đổi nhiều so với năm trước.
 
Mức điểm thi của TS tăng nhưng điểm xét tuyển tối thiểu lại không thay đổi nhiều thì liệu có nâng cao được chất lượng đầu vào?
 
Như đã nói ở trên, năm nay phổ điểm của TS dịch chuyển về phía TS có điểm cao, tuy nhiên nếu lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn năm 2013 (ví dụ 13 điểm) thì tổng số TS đạt từ mức điểm này trở lên cũng không thay đổi nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, số TS đạt điểm cao sẽ đông hơn năm trước. Vì vậy, chất lượng đầu vào vẫn có thể được nâng cao do chất lượng TS cao hơn.

Sẽ có nhiều TS điểm cao nhưng chưa trúng tuyển sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để xét tuyển?
 
Điều này chỉ đúng với đối với những trường tốp trung bình. Những trường này sẽ có nguồn tuyển đông hơn các trường phía dưới. Vì vậy các mức điểm xét tuyển mà Bộ công bố sẽ phải phân chia sao cho các trường tốp trung bình không lấy đến mức tối thiểu để các trường tốp dưới có nguồn tuyển dồi dào hơn. Do năm nay có sự phân khúc điểm xét tuyển nên các TS cũng không phải cạnh tranh nhiều như mọi năm. Ví dụ: đối với những TS có điểm thi cao thì chỉ cạnh tranh trong nhóm trường chọn mức điểm xét tuyển cao. Còn lại những TS điểm thấp hơn có cơ hội xét tuyển vào những trường lấy mức điểm thấp nhất. Những năm trước, chỉ có một mức điểm sàn thì những trường có thể lấy mức điểm cao hơn vẫn lấy đến tận điểm sàn. Chính điều này sẽ là cơ hội cho những TS có đủ điều kiện đầu vào có thể trúng tuyển mà không phải cạnh tranh với những TS có điểm cao.
 
Có áp dụng cho khối thi năng khiếu?
 
Một trong những băn khoăn nhiều nhất của các trường là có hay không ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu cho các khối thi năng khiếu? Các năm trước, Bộ chỉ quy định mức điểm tối thiểu cho các khối A, A1, B, C, D. Các khối thi năng khiếu, Bộ giao cho các trường tổ chức thi và xác định điểm chuẩn riêng mà không bị ràng buộc điểm sàn tối thiểu. Đại diện một trường ĐH có tuyển sinh nhiều khối năng khiếu cho biết đang rất lo lắng về quy định tiêu chí đầu vào của Bộ về các khối thi này. Cũng theo người này, nếu Bộ áp dụng mức điểm tối thiểu sau khi nhân hệ số cho cả khối thi năng khiếu thì tình hình tuyển sinh của trường sẽ rất căng, vì không nhiều TS có thể đạt được mức này. Theo cách làm trước nay, trường không quy định điểm sàn tối thiểu trước khi nhân hệ số.
 
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong 4 mức điểm xét tuyển cơ bản mà Bộ dự định đưa ra, hầu hết các trường chỉ quan tâm đến mức điểm xét tuyển tối thiểu ở bậc ĐH và bậc CĐ. Mà về cơ bản, 2 mức điểm tối thiểu này so với điểm sàn chung ĐH và CĐ năm ngoái không khác nhau về bản chất. Như vậy, mục tiêu phân tầng các trường thông qua nhiều mức điểm xét tuyển về nguyên tắc là hợp lý, nhưng thực tế rất khó áp dụng. Riêng với ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Chính cho biết dù chưa biết mức điểm chuẩn tối thiểu bậc ĐH là bao nhiêu nhưng mức điểm này sẽ không gây ảnh hưởng đến bất kỳ đơn vị thành viên nào vì so với điểm sàn các năm trước, điểm chuẩn ngành thấp nhất của ĐH này cũng cao hơn vài điểm.
 
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường đang rất sốt ruột về phương án mức điểm xét tuyển tối thiểu của Bộ, vì trên cơ sở này trường mới chốt được điểm chuẩn trúng tuyển cũng như chỉ tiêu xét tuyển.
 

HÀ ÁNH

 
Vũ Thơ (thực hiện)
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140807/muc-diem-toi-thieu-vao-dai-hoc-du-kien-khoang-13.aspx

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.