Tin tức Tuyển sinh


Lợi cho thí sinh, thiệt thòi cho các trường tốp dưới

Thí sinh dự thi ĐH năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

Thí sinh ít rủi ro
 
“Tôi ủng hộ phương án thi xong mới đăng ký trường ĐH. Đừng lo là tất cả học sinh đậu điểm cao chỉ thích vào trường y. Các em sẽ tự chọn ngành phù hợp với mình để sau khi học xong ĐH trở thành những kỹ sư, giáo viên, nhân viên kế toán hay bất kỳ nghề nào khác có ích cho bản thân, gia đình và xã hội” - bạn đọc có email huytoan1967@... viết.
 
Tương tự, bạn Mai Hoa cho rằng việc đăng ký trường ĐH sau khi có kết quả thi có thể gây vất vả cho người tuyển chọn nhưng rất có lợi cho người được tuyển chọn (mà người được tuyển chọn chính là tương lai của đất nước).
 
“Những trường thấp đương nhiên phải chịu chờ đợi hoặc không tuyển được nhân tài như các trường cao, đó là lẽ công bằng. Có như vậy người tài mới được đào tạo đúng môi trường để phát huy (vì không sợ rủi ro) và các ĐH thấp cũng vì cạnh tranh lành mạnh mà vươn lên thể hiện uy tín của mình” - bạn Hoa nhận định.
 
Trường tốp dưới khó tuyển được người giỏi
 
“Tôi không tán thành thi xong mới đăng ký vào các trường. Vì như thế không còn cơ hội cho các trường tốp dưới chọn được các em giỏi” - bạn đọc Thu Giang viết.
 
Bạn Trần Thị Nhung đặt vấn đề về những hạn chế nếu thực hiện có kết quả thi mới đăng ký vào trường ĐH.
 
“Thứ nhất, hệ ĐH sẽ có sự phân cách rõ rệt giữa trường tốp trên và trường tốp dưới. Trường nào điểm cao và đào tạo các ngành cần của xã hội như y, dược sẽ rất bội thu bởi toàn những em ưu tú sẽ đăng ký vào học. Còn các trường tốp dưới sẽ khó phát triển vì ngay từ đầu vào của họ không bằng.
 
Thứ hai là việc đăng ký trường rồi mới dự thi như trước sẽ tạo cho các em niềm đam mê và nghị lực phấn đấu nhiều hơn, giúp các em được cọ xát nhiều hơn với cuộc sống xã hội. Em nào muốn quyết tâm vào trường nào đó thì kiên trì ôn luyện để thực hiện ước mơ.
 
Thứ ba, việc thi chung bắt buộc toán, văn, Anh và một môn tự chọn rồi dùng số điểm đó đăng ký vào trường (môn tự chọn nhân đôi) thì vẫn chưa thỏa được yêu cầu tuyển của các trường ĐH. Đa số các trường đào tạo chuyên ngành khối D sẽ mang lợi thế. Các trường còn lại thì họ cần những học sinh thật sự giỏi chuyên môn chứ không phải giỏi toàn diện.
 
Như trường y thì họ cần một học sinh chuyên toán, hóa, sinh hơn là cần một học sinh giỏi toán, văn, Anh và sinh” - bạn Nhung viết.
 
N.HUY tổng hợp
Nguồn: http://m.tuoitre.vn/chuyen-trang/Tuyen-sinh/1059678718,Loi-cho-thi-sinh-thiet-thoi-cho-cac-truong-top-duoi.ttm

Duy Tân Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.