Năm nay các trường ngoài công lập sẽ thuận lợi hơn trong tuyển sinh “3 chung” (cán bộ chấm thi tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM).
Tối thiểu có 3 mức điểm sàn
Để giải quyết công bằng hơn giữa các nhóm trường, loại hình trường trong tuyển sinh “3 chung”, năm 2014 Bộ GD-ĐT thay đổi cách tính điểm sàn mới, sẽ có 3 hoặc 4 mức điểm.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 như sau: (1) Đối với các trường, ngành không quy định môn thi chính, các mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi. Theo đó, dựa trên kết quả thi ĐH, CĐ của thí sinh trong cả nước, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ.
(2) Đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn thi chính (tổng điểm 3 môn thi, môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường. Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH hoặc CĐ đã được Bộ GD-ĐT công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ).
Song song với quy định này, Bộ GD-ĐT cũng ràng buộc: Các trường thuộc nhóm (1) điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT đã công bố và trường đã lựa chọn. Với nhóm (2), theo đúng như quy định ở trên xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính đúng quy định trên.
Đối với những trường xét tuyển sau NV1, Bộ GD-ĐT cũng quy định chỉ tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014.
Cả làng sẽ vui?
Căn cứ vào tình hình tuyển sinh trong những năm gần đây, việc Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thay 1 mức điểm sàn bằng nhiều mức điểm sàn là giải pháp tình thế để dần khép lại phương án tuyển sinh “3 chung” cho đến năm 2017. Chắc chắn cái được của việc đưa ra nhiều mức điểm sàn là làm cho “cả làng” cùng vui và Bộ GD-ĐT cũng không bị phiền khi các trường đổ lỗi vì điểm sàn.
Thực tế cho thấy, kết quả điểm thi năm nay có sự thay đổi so với năm 2013. Phổ điểm ở tốp 100 thí sinh cao điểm nhất nước không nhiều thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Thống kê sơ bộ từ Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), thí sinh có điểm thi từ 15 - 18 điểm khá nhiều. Và với mức điểm trên, rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển điểm chuẩn NV1 dự kiến của trường công bố.
Trong khi đó, ở phổ điểm từ 13 - 14 điểm, số lượng thí sinh ở các trường như ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có đến khoảng 20.000 thí sinh dự thi đạt được mức điểm này. Theo kết quả các trường đã công bố điểm thi và điểm chuẩn NV1 dự kiến, phần lớn lượng thí sinh này không thể trúng tuyển.
Căn cứ vào tình hình kết quả thi năm nay, một chuyên gia làm công tác tuyển sinh và đào tạo tại một trường ở TPHCM phân tích: “Đề thi và kết quả điểm thi theo đúng chủ trương của bộ đó là muốn “cả làng” cùng vui để khỏi ai kêu ca. Do đó, nhiều khả năng các mức điểm sàn sẽ xây dựng như sau: Đối với trường công lập vì mục tiêu nâng chất lượng đầu vào, nhiều khả năng sẽ chọn mức 15 điểm trở lên; những trường tốp dưới (ngoài công lập) sẽ ở mức từ 12 - 13 điểm; mức điểm cho CĐ có thể là 10 điểm”.
Lý giải về các mức điểm này, vị chuyên gia cho rằng: “Với cơ cấu các mức điểm này, đầu vào của các trường công lập sẽ cao hơn vì họ muốn chọn những thí sinh tốt hơn nên thí sinh điểm thấp ngay tức khắc sẽ chuyển hướng xuống các trường ngoài công lập có mức điểm thấp hơn hoặc về các trường địa phương. Phần còn lại (từ 10 - 12 điểm) thí sinh sẽ chọn vào học các trường CĐ hoặc hệ CĐ ở các trường ĐH.
Như vậy, với nhiều mức điểm sàn có thể là chiếc phao cho các trường ngoài công lập trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, dù điểm sàn có thấp và thậm chí được tạo điều kiện thuận lợi để dễ dàng trong tuyển sinh nhưng các trường không quan tâm đến chất lượng đào tạo thì chuyện người học quay lưng là chuyện tất yếu.
THANH HÙNG
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/tuyensinhdhoccdang/2014/8/357218/