English

Nghiên cứu

Việt Nam đăng cai hội nghị thế giới về Vật lý Toán - ICMP 2027 tại ĐH Duy Tân

Hội Vật lý Toán quốc tế (International Association of Mathematical Physics - IAMP) chính thức chọn trường Đại học (ĐH) Duy Tân (DTU) ở Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị Vật lý Toán quốc tế (International Congress of Mathematical Physics - ICMP) diễn ra vào năm 2027.

 

Đây là sự kiện quan trọng bậc nhất của cộng đồng Vật lý Toán, được tổ chức 3 năm một lần với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học uy tín, trong đó có nhiều nhà khoa học đã từng nhận giải thưởng Nobel, Fields,…

 

Việt Nam đăng cai hội nghị thế giới về Vật lý Toán - ICMP 2027 tại ĐH Duy Tân
PGS-TS Lê Minh Hà, Giám đốc Điều hành VIASM trình bày kế hoạch đăng cai ICMP 2027 tại Pháp

 

Gần đây nhất, Hội nghị ICMP 2024 diễn ra ở ĐH Strasbourg (Pháp) vào những ngày đầu tháng 7.2024 đã đón tiếp nhiều nhà khoa học, trong đó có GS-TS Serge Haroche (giải Nobel Vật lý 2012) cùng 4 nhà Toán học từng nhận giải thưởng Fields tham dự, bao gồm GS-TS Martin Hairer (giải thưởng Fields 2014), GS-TS Wendelin Werner (giải thưởng Fields 2006), GS-TS Maryna Viazovska (giải thưởng Fields 2022), GS-TS Artur Avila (giải thưởng Fields 2014). Nhà khoa học người Việt ở nước ngoài - GS-TS Phan Thành Nam (ĐH LMU Munich, CHLB Đức) - thành viên hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán(VIASM), là một trong 16 nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc đã được mời báo cáo toàn thể tại Hội nghị.

 

Việt Nam đăng cai hội nghị thế giới về Vật lý Toán - ICMP 2027 tại ĐH Duy Tân
Các đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị ICMP 2024 gồm TS Nguyễn Đình Thi,

GS-TS Phan Thành Nam, PGS-TS Lê Minh Hà và TS Dương Giao Kỵ (từ trái qua)

 

Hội nghị Vật lý Toán quốc tế (International Congress on Mathematical Physics - ICMP) vào mỗi đợt tổ chức sẽ đón khoảng từ 600 - 1.000 các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới hội tụ. Bởi vậy, Hội Vật lý Toán quốc tế đã rất nghiêm túc trong suốt quá trình làm việc để lựa chọn ra các trường đại học phù hợp nhất từ các quốc gia để thực hiện đăng cai tổ chức. Hội nghị ICMP đã từng được tổ chức tại nhiều các trường ĐH uy tín như: ĐH Strasbourg (Pháp) năm 2024, ĐH Geneva (Thụy Sĩ) năm 2021, ĐH McGill (Canada) năm 2018,…

 

Việt Nam đăng cai hội nghị thế giới về Vật lý Toán - ICMP 2027 tại ĐH Duy Tân
GS Ngô Bảo Châu là một người ủng hộ nhiệt thành và đã viết thư ủng hộ ICMP 2027 tổ chức tại Việt Nam và DTU

 

Ngay trong Lễ Bế mạc ICMP 2024, Hội Vật lý Toán quốc tế đã công bố Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị ICMP 2027 với đơn vị đăng cai là Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) và Trường ĐH Duy Tân (DTU). Đây là lần thứ 2 sự kiện này tổ chức ở châu Á, sau ICMP 1975 ở Kyoto, Nhật Bản.

 

Việt Nam đăng cai hội nghị thế giới về Vật lý Toán - ICMP 2027 tại ĐH Duy Tân
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đến thăm

và làm việc cùng AHLĐ.NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Duy Tân

 

Ở Việt Nam, hướng nghiên cứu về Vật Lý toán đã và đang được phát triển mạnh mẽ. Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) là nơi thu hút đông đảo các nhà khoa học, tạo nên một cộng đồng các nhà khoa học uy tín để triển khai rất nhiều các nghiên cứu Vật lý Toán chuyên sâu. Nhiều nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài như:

 

- GS-TS Phan Thành Nam (ĐH LMU Munich, CHLB Đức),
- GS-TS Nguyễn Trọng Toán (ĐH Pennsylvania State, Hoa kỳ)…

 

đã và đang cùng với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tích cực tổ chức các hoạt động khoa học về Vật lý Toán trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Tới đây, vào trong tháng 8.2024 sẽ có Trường hè Vật lý Toán VIASM ở TP.Huế, với giảng viên chính là các chuyên gia nổi tiếng thế giới như GS-TS Robert Seiringer (Viện Khoa học và Kỹ thuật Áo, Cộng hòa Áo) và GS-TS Yoshiko Ogata (ĐH Kyoto, Nhật Bản) - cả 2 đều đã nhận giải thưởng Henri Poincaré và nhiều giải thưởng khoa học danh giá khác. Cũng phải chỉ ra rằng năm 2027 sẽ là năm kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội Vật lý Toán - IAMP, vì vậy, Hội nghị ICMP 2027 hứa hẹn sẽ là một hội nghị quốc tế lớn với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong cả 2 lĩnh vực Toán học và Vật lý.

 

Việt Nam đăng cai hội nghị thế giới về Vật lý Toán - ICMP 2027 tại ĐH Duy Tân
Nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế đã và đang được tổ chức tại ĐH Duy Tân

 

Ở các trường đại học của Việt Nam, lĩnh vực Vật lý Toán được đông đảo các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Ở lĩnh vực này, ĐH Duy Tân đặc biệt chú trọng thu hút các nhà khoa học xuất sắc ở Việt Nam và trên thế giới để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành. Nhiều nhà khoa học của ĐH Duy Tân đã được công nhận trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế, trong đó nhiều người đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng hay các cơ sở dữ liệu như Research.com, PLoS ONE, Google Scholar… Thế mạnh nghiên cứu khoa học của ĐH Duy Tân đến từ 3 viện nghiên cứu lớn lần lượt đặt tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh gồm:

 

- Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao (IRD),
- Viện Nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng (ITAR),và
- Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng (IFAS).

 

Các viện nghiên cứu này thu hút nhiều nhà khoa học với đa dạng các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau (đặc biệt là vật lý, toán học, khoa học máy tính, hóa học và y học) để đóng góp vào một số lượng lớn các công bố quốc tế và bằng sáng chế của trường.

 

Việt Nam đăng cai hội nghị thế giới về Vật lý Toán - ICMP 2027 tại ĐH Duy Tân
Cơ sở vật chất hiện đại ở ĐH Duy Tân đảm bảo tổ chức các sự kiện quốc tế đạt hiệu quả cao nhất

 

Tương tự như các đại học đã được Hội Vật lý Toán quốc tế lựa chọn để tổ chức Hội nghị ICMP qua các năm, ĐH Duy Tân được đánh giá là đảm bảo chất lượng cao để Hội nghị ICMP diễn ra thành công với nhiều yếu tố tiên quyết, trong đó có thực tế là ĐH Duy Tân đã là địa điểm uy tín cho nhiều cơ quan, đơn vị và các tổ chức phi chính phủ toàn cầu (ví dụ: UN WTO, SEAMEO, Bộ GD&ĐT của Việt Nam, P2A,…) lựa chọn để tổ chức các sự kiện, nghi lễ, hội nghị và hội thảo quốc tế với quy mô lớn tại Việt Nam.

 

Việc được chọn làm nơi đăng cai một sự kiện lớn, hàng đầu thế giới như Hội nghị Vật lý Toán Quốc tế ICMP 2027 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng khoa học Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Toán học và Vật lý. Nằm trong khuôn khổ Chương trình Trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, sự kiện này là cơ hội quan trọng sẽ thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khoa học trong nước, tiếp cận với các hướng nghiên cứu nằm trong dòng chảy trung tâm của khoa học thế giới.

 

(Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-dang-cai-hoi-nghi-the-gioi-ve-vat-ly-toan-icmp-2027-tai-dh-duy-tan-185240724171740829.htm)