Trường Đại học Duy Tân đã tổ chức "Lễ Bàn giao 10 máy eCPR - Ký kết thương mại hóa và Chuyển giao Công nghệ Khoa học Kỹ thuật" cho Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing vào ngày 7/3/2024. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào đào tạo và nâng cao kỹ năng cứu sống trong lĩnh vực sơ cấp cứu cũng như ứng dụng và phát triển công nghệ y tế tại Việt Nam.
TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu tại
Lễ Bàn giao 10 máy eCPR - Ký kết thương mại hóa và Chuyển giao Công nghệ Khoa học Kỹ thuật
"Máy Hỗ trợ Kỹ năng Hồi sinh Tim phổi - eCPR" là một sản phẩm công nghệ được phát triển dựa trên kết quả của công trình nghiên cứu khoa học "Hệ thống huấn luyện kỹ năng hồi sức tim phổi giành sự sống" do các cán bộ của Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa (CVS), Trường Đại học Duy Tân nghiên cứu và chế tạo. Sản phẩm sử dụng công nghệ IoT và thực tế ảo để củng cố và huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu và hồi sức tim phổi cho mọi đối tượng, từ người già đến trẻ em. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chính thức cấp bằng sáng chế với số hiệu 36376 tại quyết định số 41591/QĐ-SHTT ngày 13/6/2023, đồng thời đưa vào hoạt động tại nhiều đơn vị trong lĩnh vực sơ cấp cứu, đào tạo y khoa.
Đại học Duy Tân bàn giao 10 máy eCPR - Ký kết thương mại hóa
và Chuyển giao Công nghệ Khoa học Kỹ thuật cho Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing...
Phát biểu tại buổi Lễ, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho biết: “Xuất phát từ ý tưởng ban đầu khi tôi từng thấy một sản phẩm hồi sức tim phổi tương tự nhưng chưa được hoàn thiện như eCPR của Đại học Duy Tân bây giờ ở một sân bay và tôi đã đề xuất lại ý tưởng đó với các cán bộ nghiên cứu của nhà trường. Lúc đó tôi nghĩ đề xuất đó cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng bởi để nghiên cứu và chế tạo thành công một chiếc máy hồi sức tim phổi không phải là một vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, các cán bộ của Trung tâm CVS lại rất nghiêm túc với ý tưởng đó và đã liên hệ với ThS.BS. Nguyễn Văn Công - Giám đốc Điều hành Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing, sau đó bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu và chế tạo thành công sản phẩm eCPR như ngày hôm nay, nhằm hỗ trợ công tác đào tạo và nâng cao kỹ năng cứu sống trong cộng đồng. Cảm ơn các đơn vị cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành đã nhiệt tình hỗ trợ Đại học Duy Tân trong suốt quá trình nghiên cứu và chế tạo sản phẩm eCPR. Mong rằng sản phẩm này sẽ được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng hơn nữa thông qua sự hỗ trợ và đồng hành của Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing.”
Đại diện Trung tâm Mô phỏng và Mô hình hóa (CVS) thực hành hồi sức tim phổi trên máy eCPR
Hệ thống phần cứng của máy eCPR bao gồm một booth thực nghiệm CPR độc lập, mô hình người nhựa, bo mạch điện tử, máy tính PC và màn hình cảm ứng đa điểm. Đặc biệt, phần mềm của máy sử dụng thiết bị mô phỏng 3D thực tế ảo để tạo ra cảm giác thực tế khi thực hiện hồi sức tim, phổi. Các cảm biến IoT thu thập thông tin và cung cấp phản hồi cho người sử dụng, giúp họ cải thiện từng bước thao tác trong quá trình sơ cấp cứu.
Máy eCPR không chỉ là một công cụ huấn luyện, mà còn tích hợp các trò chơi vận động để người sử dụng tự thực hành và nhận phản hồi sau mỗi lần thực hiện. Điều này giúp người dùng phát triển những kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống khẩn cấp và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cá nhân.
... và tặng một máy eCPR trị giá 150 triệu đồng cho trường THPT Trần Phú
ThS. BS. Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: “Hồi sức tim phổi (CPR) là một quy trình cấp cứu kết hợp giữa ép tim trong lồng ngực và thông khí nhân tạo (thổi ngạt) được sử dụng để cứu sống một người đã ngừng thở hoặc tim ngừng đập. Theo kết quả khảo sát ngừng tuần hoàn ngoại viện không do chấn thương tại 4 bệnh viện ở Hà Nội theo mẫu Utstein năm 2020, tỷ lệ nạn nhân tử vong là 96,2%, có 64,9% người chứng kiến nhưng chỉ có 8,7% nạn nhân được hồi sức tim phổi trước khi khi đưa đến bệnh viện. Như vậy có thể nói rằng hồi sức tim phổi thực sự rất quan trọng và cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt giúp duy trì cho máu lưu thông và cung cấp oxy cho cơ thể, đảm bảo lượng oxy cho não và các cơ quan quan trọng cho đến khi có phương pháp điều trị chuyên khoa. Tuy nhiên, có một thực trạng là hầu hết người dân hiện nay đều không có nhiều kiến thức và kỹ năng về sơ cấp cứu nói chung và hồi sức tim phổi nói riêng. Chính vì thế, Máy Hỗ trợ Kỹ năng Hồi sinh Tim phổi - eCPR của Đại học Duy Tân thực sự là một giải pháp hữu ích và rất cần thiết đối với mọi người, mọi nhà.
Với sự kết hợp giữa công nghệ IoT, thực tế ảo và phản hồi tức thì, máy eCPR mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Nó không chỉ nâng cao kỹ năng cứu sống mà còn cung cấp một môi trường an toàn và tiện lợi để thực hành. Đồng thời, máy eCPR cũng tiếp cận mọi đối tượng, từ người già đến trẻ em, giúp mọi người nắm bắt và rèn luyện kỹ năng cứu sống một cách hiệu quả.”
Trong khuôn khổ của sự kiện, Đại học Duy Tân cũng đã tặng một máy eCPR cho trường THPT Trần Phú tại Đà Nẵng, đồng thời, Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing cũng đã tặng toàn bộ tài khoản miễn phí cho học sinh lớp 12 của trường THPT Trần Phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tiếp cận và rèn luyện kỹ năng cứu sống, đồng thời nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng.
Máy eCPR do Đại học Duy Tân nghiên cứu và chế tạo thành công là một công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sơ cấp cứu và hồi sức tim phổi. Nhà trường đã chứng tỏ sự cam kết và đổi mới trong lĩnh vực y tế bằng việc phát triển và sản xuất máy eCPR tiên tiến. Việc Đại học Duy Tân bàn giao 10 máy eCPR cho Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing là một bước đột phá trong việc đẩy mạnh sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong ngành y tế.
Ký kết thương mại hóa và chuyển giao công nghệ khoa học cho Tổ chức Giáo dục Sức khỏe còn cho thấy Đại học Duy Tân là một đối tác đáng tin cậy và có khả năng chuyển giao công nghệ hiệu quả. Qua sự kiện này, Đại học Duy Tân không chỉ đưa công nghệ tiên tiến đến cộng đồng một cách rộng rãi mà còn tạo điều kiện để các tổ chức y tế khác có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ này để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và cứu sống. Sự hợp tác giữa Đại học Duy Tân và Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing cũng chứng tỏ tầm nhìn và mục tiêu chung trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Bằng cách kết hợp kiến thức chuyên môn, công nghệ và tài nguyên, hai bên đã tạo ra một môi trường lý tưởng để phát triển và ứng dụng các giải pháp y tế tiên tiến.
(Truyền Thông)