Sáng ngày 9/4/2023, Cuộc thi “Xây cầu Ô Thước” lần thứ 6 đã được diễn ra vô cùng sôi nổi và hào hứng tại cơ sở K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Dưới đôi bàn tay khéo léo và đầy sáng tạo của sinh viên Đại học Duy Tân cùng các nhóm học sinh THPT, nhiều mô hình cây cầu có kiến trúc độc đáo, đẹp mắt và chịu được trọng lượng lớn được “xây dựng” ngay tại sân trường đã thu hút sự chú ý của đông đảo người xem.
Cuộc thi “Xây cầu Ô Thước” được xuất phát từ ý tưởng kết nối bờ vui để Ngưu Lang và Chức Nữ có cơ hội được gặp gỡ mỗi năm 1 lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch trong tích xưa. Từ ý tưởng này, cuộc thi Xây cầu Ô Thước được Đại học Duy Tân tổ chức trong nhiều năm qua với mong muốn tạo ra sân chơi bổ ích cho các bạn học sinh, sinh viên yêu thích lĩnh vực Xây dựng và Kiến trúc.
TS. Phạm Phú Anh Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Duy Tân
phát biểu khai mạc cuộc thi
Phát biểu khai mạc cuộc thi, TS. Phạm Phú Anh Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Đại học Duy Tân cho biết: “Không chỉ giúp phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình xây dựng mô hình cây cầu, cuộc thi còn đặt ra nhiều thử thách về các vấn đề kỹ thuật, thẩm mĩ, tối ưu về chịu lực,... dành cho các thí sinh tham dự. Do vậy, đây chính là cơ hội cho những bạn trẻ có năng lực tính toán và thực hành trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, các thí sinh tham dự cuộc thi còn được giao lưu, chia sẻ và tiếp nhận nhiều kiến thức chuyên ngành hữu ích từ các giảng viên và nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Kiến trúc và Xây dựng.”
Cuộc thi “Xây cầu Ô Thước” năm nay thu hút sự tham gia của 20 đội thi của sinh viên Đại học Duy Tân và 12 đội thi đến từ các trường THPT trên địa bàn Tp. Đà Nẵng với tổng cộng 140 thí sinh.
Các đội thi cùng tiến hành thử tải các mô hình cầu dưới sự giám sát của tổ trọng tài
Trong thời gian tối đa là 180 phút, các đội thi của sinh viên Đại học Duy Tân cùng các đội thi của học sinh THPT cùng sử dụng các vật liệu như: ống hút, keo dán, thước kẻ, kéo,... để xây dựng các mô hình cầu. Sau thời gian quy định, các mô hình cầu sẽ được Ban Tổ chức tiến hành chấm điểm dựa trên các tiêu chí về: kiến trúc, khả năng chịu lực và dự báo mức tải trọng gần đúng nhất.
Ban tổ chức trao giải Nhất khối Học sinh cho đội “Dragon Fangs”
đến từ lớp 11/4 trường THPT Thái Phiên
Sau thời gian chấm chọn công tâm của Ban Tổ chức, kết quả của Cuộc thi “Xây cầu Ô Thước” lần thứ 6 tại Đại học Duy Tân được công bố và trao thưởng như sau:
Khối Sinh viên:
- Giải Nhất được trao cho đội “BTĐ” đến từ lớp K26XDC, Chuyên ngành Xây dựng Cầu đường, Khoa Xây dựng, trường Công nghệ của Đại học Duy Tân,
- Giải Nhì được trao cho đội “C.K” đến từ lớp K28CSU-XDD, Chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghệ chuẩn CSU, trường Đào tạo Quốc tế của Đại học Duy Tân,
- Giải Ba thuộc về đội “Cứ Từ Từ” đến từ lớp K28XDD1, Chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghệ, Khoa Xây dựng, trường Công nghệ của Đại học Duy Tân.
Khối Học sinh:
- Giải Nhất được trao cho đội “Dragon Fangs” đến từ lớp 11/4 trường THPT Thái Phiên,
- Giải Nhì được trao cho đội “Ba con vịt” đến từ lớp 10/18, lớp 10/1 và lớp 11/6 trường THPT Thái Phiên,
- Giải Ba thuộc về đội “Lifeline” đến từ lớp 10/1 trường THPT Thái Phiên.
Bên cạnh đó, các giải thưởng phụ: “Cây cầu đẹp nhất”, “Cây cầu siêu trọng” và “Dự báo chính xác” cũng được trao cho các đội thi của khối sinh viên và khối học sinh.
Các đội thi chụp hình lưu niệm cùng giảng viên và sinh viên của Đại học Duy Tân
Theo đánh giá chung của Ban tổ chức, Cuộc thi “Xây cầu Ô Thước” năm nay ghi nhận nhiều mô hình cầu có hình dáng đẹp và độc đáo với sự tính toán hài hòa tỉ lệ và có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, các mô hình cầu được các đội thi của sinh viên Đại học Duy Tân cùng các đội thi của học sinh THPT tính toán khả năng chịu lực tốt và giảm thiểu được độ lệch giữa tải trọng thực tế được công nhận với tải trọng dự báo trước.
Em Bạch Doãn Trần Hoàng - Đại diện Đội “Dragon Fangs” đến từ lớp 11/4 trường THPT Thái Phiên chia sẻ: “Tham dự cuộc thi ‘Xây cầu Ô Thước’ là dịp để em và các bạn trong lớp cùng thể hiện thế mạnh của bản thân đồng thời biết lắng nghe và kết nối với nhau khi cùng làm việc nhóm. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thiện mô hình cầu chúng em nhận được nhiều nhận xét, góp ý về hình dáng cũng như công năng của cây cầu để có thể cải thiện những thiếu sót và phát huy những thế mạnh sẵn có. Chúng em rất mong muốn được tiếp tục quay trở lại Đại học Duy Tân tham gia những cuộc thi bổ ích để gặp gỡ nhiều bạn bè mới, học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ những anh chị đi trước và các giảng viên thân thiện của trường.”
(Truyền Thông)