Chiều 11/12/2020, tại Lễ bế mạc Tuần lễ Công trình xanh 2020, đồ án của sinh viên Đại học Duy Tân đã được Ban tổ chức trao giải thưởng cùng chứng nhận và kỷ niệm chương khi tham dự cuộc thi Kiến trúc Xanh sinh viên 2020. Nhiều sáng kiến và ý tưởng mà sinh viên Đại học Duy Tân cùng với sinh viên các trường bạn mang đến cuộc thi đã góp thêm nhiều “giải pháp xanh” cho các công trình kiến trúc tại Việt Nam.
Kiến trúc xanh sinh viên là giải thưởng thường niên của Viện Đô thị xanh Việt Nam tổ chức, với sự phối hợp và tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và nhiều các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cuộc thi là cơ hội để các kiến trúc sư tương lai thể hiện ý tưởng sáng tạo, sự nhạy bén với xu hướng phát triển của xã hội, hình thành ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp và cộng đồng.
2 đồ án của sinh viên Đại học Duy Tân đã được trao giải thưởng cùng chứng nhận và kỷ niệm chương
khi tham dự cuộc thi Kiến trúc Xanh sinh viên 2020
Năm 2020, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UNDP và Quỹ môi trường toàn cầu tổ chức tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020 từ ngày 8 - 12/12/2020 tại Thủ đô Hà Nội để đánh giá và tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp thiết thực với các công trình chất lượng hay các đồ án đạt giải thưởng lớn. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các đồ án tham dự cuộc thi Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2020 có chất lượng tốt, thiết thực cùng nhiều hướng thiết kế mới. Các đồ án đáp ứng đầy đủ và hài hòa các tiêu chí về vật liệu bền vững, công nghệ xanh, tính sáng tạo, cộng đồng,... Đây được xem là những tín hiệu lạc quan cho mục tiêu quốc gia trong việc ngày càng có nhiều công trình, các khu đô thị và dân cư được thiết kế, xây dựng và quản lý theo tiêu chí xanh.
Năm nay, sinh viên Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng của Đại học Duy Tân giành được 2 giải thưởng tại cuộc thi. Trong đó, 1 giải Khuyến khích trao cho đồ án “Khách sạn nội đô Đà Nẵng” của sinh viên Trương Tấn Thành và 1 giải Chuyên đề “Thư viện Tổng hợp Thành phố Đà Nẵng” trao cho sinh viên Nguyễn Thị Khánh Hà.
Với đồ án “Khách sạn nội đô Đà Nẵng”, sinh viên Trương Tấn Thành đã rất sáng tạo khi đưa ra ý tưởng về một công trình được thiết kế thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Cụ thể, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ tiện nghi của một khách sạn nghỉ dưỡng nội đô, du khách còn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp của Đà Nẵng từ ban công, nơi được thiết kế để có thể đón những luồng gió mát lành từ sông Hàn và biển Đông. Đặc biệt, hệ thống mái che được thiết kế vừa hạn chế tối đa tác động của bức xạ mặt trời, vừa tạo nên điểm nhấn cho mặt đứng của công trình.
Nhiều sáng kiến và ý tưởng của sinh viên Đại học Duy Tân cùng với sinh viên các trường bạn
góp thêm nhiều “giải pháp xanh” cho các công trình kiến trúc tại Việt Nam
Trương Tấn Thành - Lớp K20 CSUKTR, Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng của Đại học Duy Tân chia sẻ: “Thành phố Đà Nẵng những năm trở lại đây được biết đến như một thành phố hiện đại với nhiều sự đổi mới liên tục, kèm theo đó là sự xuất hiện đa dạng các loại hình lưu trú để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của du khách khi tìm đến vui chơi và giải trí. Với đồ án ‘Khách sạn nội đô Đà Nẵng’, em mong muốn thiết kế một công trình khách sạn du lịch ‘xanh’ vừa hòa mình vào không gian kiến trúc của thành phố vừa nổi bật với thiết kế mặt đứng chuyển động và sự kết hợp giữa hệ lam đặc uốn lượn bằng bê tông với kính cường lực. Chính sự xếp đặt linh hoạt uyển chuyển nhưng có quy luật của hệ lam tạo cho công trình có vẻ bề thế theo phương vị thẳng đứng nhưng cũng không kém phần thanh thoát nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, màu sắc vật liệu ngoại thất chủ đạo của khách sạn sử dụng là màu trắng kết hợp với kính xanh cùng các khung nhôm cửa đen phù hợp với khí hậu địa phương tại Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo yêu cầu về độ bền và thẩm mỹ cao.”
Cũng với mục đích hướng đến việc tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên đồng thời khai thác tối đa công năng, đồ án “Thư viện Tổng hợp Thành phố Đà Nẵng” của sinh viên Nguyễn Thị Khánh Hà mang đến một không gian vừa được thiết kế hợp lý cho việc học tập và nghiên cứu, vừa giúp độc giả đến thư viện hòa mình vào thiên nhiên. Công trình Thư viện Tổng hợp Thành phố Đà Nẵng mang đến một “hơi thở” mới khi được lồng ghép các yếu tố: cây xanh, ánh sáng, gió,... làm tăng khả năng kết nối bền vững giữa con người và thiên nhiên.
ThS. KTS. Lương Xuân Hiếu - Giảng viên Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng của Đại học Duy Tân chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu chọn đề tài, sinh viên Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật Ứng dụng của Đại học Duy Tân đã ý thức được việc cần thiết phải đưa các giải pháp thiết kế theo xu hướng xanh và bền vững vào đồ án. Đồng thời, các bạn cũng đã nghiên cứu và phân tích kỹ điều kiện tự nhiên, khí hậu tại địa phương và tham khảo giải pháp thiết kế từ những công trình được đánh giá cao về thiết kế xanh. Cùng với đó, trong quá trình học tập, các em được trang bị đầy đủ các kiến thức nền tảng, các công cụ hỗ trợ để có thể thực hành một cách hiệu quả nhất trong quá trình thực hiện đồ án. Kết quả là, mặc dù thể loại công trình là không mới, tuy nhiên việc lựa chọn hướng đi phù hợp với xu hướng ‘kiến trúc xanh’ của thế giới, thích ứng với điều kiện tự nhiên và khí hậu địa phương, đáp ứng được nhu cầu về mục đích và hiệu quả sử dụng, 2 đồ án của sinh viên Duy Tân đã được Ban Tổ chức cuộc thi Kiến trúc Xanh sinh viên đánh giá cao.”
Đồ án Kiến trúc xanh là nền tảng quan trọng để các sinh viên, các kiến trúc sư tương lai tìm hiểu, tiếp cận việc ứng dụng các giải pháp, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, góp phần vào sự phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong những năm tới.
(Truyền Thông)