English

Nghiên cứu

Hội nghị Khoa học Lần thứ VI về Điện, Điện tử Viễn thông và Tự động hóa

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực Điện - Điện tử, Đại học Duy Tân đã tổ chức Hội nghị Khoa học Lần thứ VI về Điện, Điện tử Viễn thông và Tự động hóa vào chiều ngày 10/12/2019 tại cơ sở số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng.
 
Hội nghị Khoa học Lần thứ VI về Điện, Điện tử Viễn thông và Tự động hóa
TS. Anand Nayyar báo cáo chuyên đề về
“Internet of vehicles (IOV): Futuristic smart intelligent transportation system” 
 
Khai mạc Hội nghị, TS. Hà Đắc Bình - Trưởng Khoa Điện-Điện tử phát biểu: “Hội nghị Khoa học về Điện, Điện tử Viễn thông và Tự động hóa được Khoa Điện-Điện tử tổ chức thường niên nhằm nâng cao kỹ năng nghiên cứu ứng dụng, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật, tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến và xu hướng đổi mới công nghệ trong lĩnh vực Điện - Điện tử. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ ngày càng vững mạnh hơn.
 
Hội nghị lần này thu hút đông đảo sự quan tâm cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học chất lượng của các giảng viên và chuyên viên trong Khoa. Trong đó, 5 nghiên cứu xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trình bày và thảo luận. Nội dung các đề tài năm nay rất phong phú, đa dạng, có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao trong cuộc sống như: “Robot với bánh xe nam châm hỗ trợ việc kiểm tra chất lượng cầu thép”, “Amplify-and-forward relay transmission in uplink non-orthogonal multiple access networks” (Khuyếch đại và Chuyển tiếp trong đa truy cập phi trực giao), “Xu thế phát triển của năng lượng hạt nhân - liệu chăng đây sẽ là yếu tố quan trọng trong vấn đề biến đổi khí hậu?”, “Nguồn năng lượng mới và tiềm năng ở Việt Nam”,… Các báo cáo chất lượng sẽ được chọn đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ trường Đại học Duy Tân (ISSN: 1859 - 4905).
 
Mở đầu phiên báo cáo Hội nghị, TS. Anand Nayyar trình bày báo cáo chuyên đề về “Internet of vehicles (IOV): Futuristic smart intelligent transportation system” (Internet của phương tiện (IOV): Hệ thống giao thông thông minh tương lai). Tiến sĩ chỉ ra khái niệm về “Internet of Vehicles (IoV)”, công nghệ và các giao thức định tuyến, thách thức và các vấn đề xung quanh IoV để các nhà nghiên cứu tiếp tục làm cho IoV trở nên hiệu quả và đáng tin cậy hơn. Tiếp theo đó, báo cáo thứ 2 về chuyên đề “6G Mobile communication network: future aspects, key issues and governing technologies” (Mạng di động 6G: xu thế tương lai, các vấn đề then chốt và công nghệ quản trị), TS. Anand Nayyar đã phân tích các yêu cầu kỹ thuật và thách thức để hiện thực hóa tầm nhìn 6G trong tương lai, bao gồm: thông lượng cực đại, hiệu quả năng lượng cao hơn, kết nối ở mọi nơi và mọi lúc, lý thuyết và công nghệ mới, kết cấu truyền thông tự tổng hợp và một số thách thức phi kỹ thuật.
 
Hội nghị Khoa học Lần thứ VI về Điện, Điện tử Viễn thông và Tự động hóa
ThS. Trương Văn Trương trình bày báo cáo 
tại Hội nghị Khoa học Lần thứ VI về Điện, Điện tử Viễn thông và Tự động hóa
 
Tham dự Hội nghị, các báo cáo của giảng viên, chuyên viên nghiên cứu Khoa Điện-Điện tử được Hội đồng khoa học đánh giá rất cao. Đặc biệt, đề tài “Robot với bánh xe nam châm hỗ trợ việc kiểm tra chất lượng cầu thép” của Chuyên viên Phạm Quyền Anh đã cung cấp giải pháp giảm thiểu sự khó khăn, nguy hiểm và nâng cao năng suất làm việc cho các Thanh tra viên trong việc kiểm tra chất lượng cầu thép bằng Robot. Hay đề tài “Xu thế phát triển của Năng lượng hạt nhân - liệu chăng đây sẽ là yếu tố quan trọng trong vấn đề biến đổi khí hậu?” của ThS. Nguyễn Thanh Bình đã nêu ra các luận cứ chứng minh rằng Năng lượng hạt nhân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu trong tương lai, đồng thời chỉ rõ các lợi ích, khó khăn và cả những thách thức mà Năng lượng hạt nhân mang lại. Nhiều chuyên gia đặt các câu hỏi chất vấn và đưa ra nhận xét, góp ý cụ thể cho từng tác giả. 
 
Hội nghị Khoa học lần thứ VI của Khoa Điện-Điện tử là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học sâu rộng trong toàn thể cán bộ giảng viên trong khoa. Đồng thời, còn tạo cơ hội cho các giảng viên và chuyên viên nghiên cứu cùng trao đổi, thảo luận và mở ra các ý tưởng sáng tạo mới. 
 
(Truyền Thông)