Những cánh én đầu tiên là bộ phim tài liệu lịch sử hiếm hoi được đưa ra rạp chiếu, bán vé. Không quảng cáo rầm rộ, nhưng 10 suất chiếu của bộ phim ở cụm rạp CGV tại Hà Nội trong ngày 15.5 gần như đã kín chỗ.
Hình ảnh trong bộ phim Những cánh én đầu tiên. ẢNH: TL
Với thời lượng chỉ khoảng 40 phút, trận chiến đầu tiên của Không quân VN với không lực Mỹ diễn ra tại khu vực cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa vào ngày 4.4.1965 không chỉ được khai thác ở góc độ lịch sử mà còn chạm tới cảm xúc của người xem với hiệu ứng hình ảnh.
Trung tướng Trần Hanh, người duy nhất trở về trong số 4 phi công năm ấy, lần đầu tiên được xem bộ phim tái hiện hình ảnh ông và các đồng đội. “Chiến đấu đúng là ác liệt như vậy đấy!”, ông nói. Trong khán phòng, những mái đầu bạc trắng xen với những mái đầu còn xanh. Hình ảnh của lịch sử không chỉ khiến những người đã đi qua mà cả những người nhìn lại xúc động. Mặc dù, có chỗ chưa thể chỉn chu hay quy mô lớn như những bộ phim của các nhà làm phim chuyên nghiệp, nhưng Những cánh én đầu tiên với những ứng dụng công nghệ hiện đại đã mang đến cách nhìn mới trong việc làm phim tài liệu lịch sử VN: đa chiều và hấp dẫn.
TS Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), cho hay trong thời gian học tập tại Mỹ, ông được đọc tài liệu, xem những bộ phim đưa ra những thông tin chưa chính xác về những trận chiến trên không tại VN. Đó là lý do vì sao ông mong muốn và ấp ủ dự án làm phim không chiến VN mà Những cánh én đầu tiên là phim mở đầu. Phải mất tới 5 năm,
xưởng phim Én Bạc (Đại học Duy Tân) với khoảng 25 - 30 thành viên mới có thể cho hoàn thành bộ phim. TS Bảo cho hay trong suốt thời gian dài đó, câu nói của một phi công từng chiến đấu trong Không quân VN đã “níu” ông không bỏ cuộc:
“Nếu cháu không làm, thì khi các bác không còn nữa sẽ chẳng có ai kể cho các cháu nghe”.
Không chỉ tiêu tốn kinh phí “khủng”, đoàn làm phim cũng gặp nhiều cái khó về nhân sự, hay cơ sở vật chất... Biên tập và quay phim Thái Bảo Long chia sẻ, thay cho những phòng quay cho buồng lái phi công chuyên nghiệp như ở Mỹ, đoàn phim phải dùng bìa carton tạm bợ, có lúc phải bê cả “buồng lái” ra ngoài trời giữa cái nắng 40 độ C của miền Trung để lấy ánh sáng tự nhiên. Còn với TS Bảo, cái khó của bộ phim còn ở việc diễn hoạt sao cho đúng với lịch sử. Đoàn phim đã tham khảo tài liệu của VN (trong đó có cuốn Những trận không chiến trên bầu trời VN (1965 - 1975) nhìn từ hai phía của tác giả Nguyễn Sỹ Hưng và Nguyễn Nam Liên) và của phía Mỹ với những lời kể của phi công Mỹ. Có những thông tin, câu chuyện vênh nhau, ngay cả cách nhìn từ hai phía cũng khác nhau. “Chúng tôi không ngại điều đó, mà quan trọng là mình phải trung thực với chính mình, làm sao để khách quan nhất. Nếu làm sai sẽ thấy mắc tội với lịch sử”, TS Bảo nói.
(Nguồn:https://thanhnien.vn/van-hoa/phim-tai-lieu-lich-su-hut-khan-gia-1082534.html)