Là bộ phim tài liệu lịch sử đầu tiên được bán vé, “Không chiến Việt Nam: Những cánh én đầu tiên” đã chứng minh mình “tốt hơn cả một hiện tượng phòng chiếu” khi nhận được sự ủng hộ vô cùng lớn của đông đảo khán giả.
Poster phim Những cánh én đầu tiên
Ngày 15/5, tại Hà Nội, bộ phim tài liệu lịch sử
“Không chiến Việt Nam: Những cánh én đầu tiên” được công chiếu chỉ với một ngày duy nhất. Bộ phim đã trở thành hiện tượng khi tất cả các suất chiếu ở cụm rạp CGV Vincom Bà Triệu bị “cháy vé”. Tuy nhiên, việc bán vé không phải vì lợi nhuận. Nhà sản xuất cho biết, do nhu cầu của khán giả khá lớn, trong khi kinh phí của trường
Đại học Duy Tân có hạn, họ đã phát hành vé như một hình thức bù đắp chi phí thuê phòng chiếu tại Hà Nội. Và đáng ngạc nhiên,
chỉ trong hơn 1 tuần quyết định bán vé, số lượng vé đặt mua đã đạt con số 12 phòng chiếu. Rất nhiều khán giả tới rạp để mua vé đã buộc phải ra về đầy tiếc nuối khi chưa thể theo dõi bộ phim lịch sử về lực lượng không quân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
“Những cánh én đầu tiên” là bộ phim do Đại học Duy Tân Đà Nẵng đầu tư và thực hiện thông qua studio Én Bạc của trường. Bộ phim được thai nghén trong suốt 5 năm và thực hiện trong quãng thời gian 1,5 năm. Lựa chọn Đà Nẵng là nơi công chiếu đầu tiên của phim, chính nhà sản xuất cũng không thể ngờ hiệu ứng từ khán giả lại mạnh mẽ đến như vậy. Vì thế, dù không định đưa bộ phim đi “chinh chiến” ở nơi khác, nhưng cuối cùng bộ phim cũng đã đến với Hà Nội và dự kiến sẽ tới với TP Hồ Chí Minh.
Người xếp hàng trước các phòng chiếu phim "Những cánh én đầu tiên" tại CGV Bà Triệu, Hà Nội
Tại buổi họp báo, thành viên đoàn làm phim Bảo Long chia sẻ, do không có điều kiện để dựng phòng quay buồng lái các tiêm kích cho "Những cánh én đầu tiên", đoàn làm phim đã phải dựng phòng quay bằng bìa carton.
Không những thế, vì không có đủ điều kiện dựng ánh sáng phim trường chuẩn, đoàn đã phải quay các cảnh phi công trong buồng lái ở ngoài trời để tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Anh Bảo Long cũng cho biết, tất cả các khâu đoạn của bộ phim đều do người trong đoàn hoặc các thành viên tự nguyện tham gia thực hiện: Từ vai trò sản xuất, đến diễn viên đóng vai trong phim, lồng tiếng, nhạc phim..v.v.
Sự thành công đầu tiên của “Những cánh én đầu tiên” phải kể đến độ “liều” của nhà sản xuất – trường Đại học Duy Tân. Làm phim tài liệu lịch sử chưa bao giờ là đơn giản, kể cả đối với những nhà làm phim chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với “sự tự ái” của một người yêu lịch sử Việt Nam khi chưa thể mang một sản phẩm khách quan về lịch sử và đẹp về hình ảnh để đem ra giới thiệu cho thế giới, ông Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, đã dành tâm huyết của mình cũng như sự quyết tâm của trường để theo đuổi bộ phim.
Không chỉ “liều”, điều đặc biệt của “Những cánh én đầu tiên” chính là tôn trọng sự khách quan của lịch sử. Bộ phim tái hiện lại trận thắng oanh liệt ngày 4/4/1965 của Không quân Việt Nam khi hạ được 2 máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ. Nhưng bên cạnh đó là sự tổn thất to lớn của chúng ta khi 4 phi công chiến đấu chỉ có 1 người duy nhất trở về. Bộ phim sử dụng tư liệu lịch sử không chỉ ở phía Việt Nam mà còn từ của Không quân Hoa Kỳ. Vì thế, trận đánh ngày 4/4/1965 được khắc họa rõ nét, đậm chất oai hùng nhưng lại không hề khoa trương hay tẻ nhạt như những bộ phim tài liệu lịch sử khác.
Bộ phim tài liệu lịch sử thu hút rất đông giới trẻ Hà Nội. Điều này chứng minh rằng, người trẻ chưa bao giờ thờ ơ với lịch sử nước nhà
Việc lựa chọn làm phim lịch sử bằng công nghệ kỹ xảo điện ảnh (VFX) hiện đại cũng chính là sự tiếp nối thành công cho bộ phim này. Thế giới đã có quá nhiều phim tài liệu lịch sử được tái dựng bằng công nghệ VFX, nhưng ở Việt Nam thì chưa. Khó khăn không chỉ ở chi phí cho công nghệ này tốn kém, mà bởi nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của phim lịch sử cũng khiến việc làm phim tài liệu lịch sử bằng VFX gần như ở con số 0. Theo nhà sản xuất, trong suốt quá trình làm bộ phim, đã không có ít người ra đi vì họ có lựa chọn tốt hơn về thu nhập, nhưng cũng đã có những người đến với đoàn làm phim chính vì yêu thích dự án táo bạo này.
Đoàn làm phim, các nhân chứng lịch sử có mặt tại buổi giao lưu ngay sau buổi công chiếu phim tại Hà Nội
Trong buổi chia sẻ với khán giả và báo chí, ông Bảo né tránh các câu hỏi về chi phí đầu tư cho bộ phim mà chỉ kết luận, làm phim "Những cánh én đầu tiên" quả thật là một hành trình “đốt tiền”. Thế nhưng, có lẽ hiệu ứng lan rộng của bộ phim đã bù đắp đáng kể cho tâm huyết của đoàn làm phim.
Trung tướng Trần Hanh – biên đội trưởng đội tiêm kích Mig-17 trong trận không chiến ngày 4/4/1965 – nhận xét về bộ phim nói về chính mình bằng một sự trân trọng: “Chúng tôi cảm ơn nhà làm phim Những cánh én đầu tiên. Bộ phim miêu tả cuộc chiến tranh thực sự khốc liệt. Và trên thực tế, chiến tranh khốc liệt đúng như trong phim vậy”.
Trailer "Những cánh én đầu tiên"
Cuối buổi chia sẻ, ông Lê Nguyên Bảo cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng ông và ê kíp làm phim đã và đang có ý định xây dựng tiếp phần hai cho series phim “Không chiến Việt Nam”. Tuy nhiên, ông sẽ lựa chọn một hình thức nào đó tới với đông đảo khán giả hơn. Phần hai của bộ phim có thể sẽ là một bộ phim điện ảnh.
Nội dung bộ phim
Phần đầu xâu chuỗi, đánh giá sự kiện qua lời kể của trung tướng Trần Hanh - phi công duy nhất của biệt đội bay còn sống, cùng những chứng nhân lịch sử, chuyên gia, các phi công khác. Phần thứ hai tái hiện lại trận chiến trên không bằng những kỹ xảo điện ảnh hiện đại. Đó là trận chiến trên cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với Không quân và Không quân Hải quân Mỹ.
Biệt đội tiêm kích thuộc Đoàn không quân Sao đỏ trong trận đánh lịch sử này gồm các phi công Trần Hanh, số 1 với máy bay số hiệu 2316; Phạm Giấy, số 2 với máy bay số hiệu 2410; Lê Minh Huân, số 3 với máy bay số hiệu 2412; Trần Nguyên Năm, số 4 với máy bay số hiệu 2416. Nhận hiệu lệnh xuất kích, từ sân bay Nội Bài, biên đội đã bay đến khu vực chiến đấu.
Biên đội trưởng Trần Hanh báo cáo phát hiện tốp F-105 mang bom chuẩn bị tấn công cầu Hàm Rồng và đã triển khai đội hình tiến công ngay sau đó. Trận không chiến diễn ra trong chớp mắt. Dù có ưu thế hơn về mặt kích thước và kỹ thuật, hai máy bay cường kích F-105 của địch vẫn bị biên đội hạ gục.
Trong trận chiến đấu tiếp theo với biên đội F-100D hộ tống F-105, phi công Lê Minh Huân bị rơi gần biển Sầm Sơn. Hai chiếc còn lại do phi công Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm bị rơi trong những tình huống không xác định. Riêng phi công Trần Hanh đã cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay F-100D. MiG-17 của Hanh đã hết dầu và hỏng la bàn nên phải hạ cánh xuống con suối cạn thuộc bản Kẻ Tằm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
|
(Nguồn:https://tintucvietnam.vn/phim-tai-lieu-lich-su-nhung-canh-en-dau-tien-chay-ve-khong-chi-la-mot-hien-tuong-68499)