Trailer Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên
"Chúng tôi có áp lực về việc làm thế nào để thể hiện được phim một cách trung thực, khách quan, không mang tiếng làm phim tuyên truyền. Hơn nữa, làm phim tài liệu mà làm không chính xác là mắc tội với lịch sử"---Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân---
Tối 15-5, Đại học Duy Tân đã đem bộ phim Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên ra Hà Nội giới thiệu với khán giả. Đây là bộ phim nói về trận ra quân đầu tiên của Không quân Việt Nam, đem về những thắng lợi rất quan trọng, tạo niềm tin người lính Việt Nam có thể chiến đấu trên không.
Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên thực chất gồm hai bộ phim ngắn với tổng thời lượng hơn 50 phút. Bộ phim đầu tiên là phim tài liệu có phỏng vấn các nhân chứng, cộng với hình ảnh đồ họa vi tính tái hiện cuộc chiến giúp khán giả dễ hình dung.
Trung tướng Trần Hanh, người còn sống sót sau trận không chiến đầu tiên của Không quân Việt Nam chia sẻ cảm nhận sau khi xem bộ phim "Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên" tại buổi ra mắt phim tại Hà Nội - Ảnh: NGỌC DIỆP
Bộ phim thứ hai dựng lại toàn bộ cuộc chiến bằng kĩ xảo. Phim có sự tham gia của diễn viên người thật thay vì dùng nhân vật đồ họa vi tính. Phần này đầu tư hơi đơn sơ, nhưng âm nhạc, hình ảnh, cách diễn hoạt đã mang lại những hiệu quả cảm xúc rất tốt.
Về tổng thể, Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên đã giúp khán giả hình dung được trận ra quân của Không quân Việt Nam, cho khán giả trải qua những giờ phút hào hùng, đầy bi tráng của người lính Việt Nam.
Sau khi bộ phim kết thúc, đã rất nhiều khán giả tò mò tại sao một trường đại học lại dám dấn thân vào một dự án đầy thử thách như thế? Họ đã làm thế nào để ra được kết quả tốt như vậy?
Hình ảnh đồ họa phim "Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên"
Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, trưởng dự án Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên - cho biết khi học ở Mỹ anh đã xem rất nhiều phim về không chiến, trong đó có rất nhiều cảnh Mỹ bắn rơi máy bay Việt Nam. Vì tự ái dân tộc, anh quyết định làm phim về những trận không chiến, với mong muốn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo đã xây dựng Én Bạc Studio cùng hơn 20 người phát triển dự án. Với niềm đam mê và tham vọng mãnh liệt chinh phục ngành công nghệ VFX (Visual Effect or Effect) còn non trẻ của Việt Nam, đội ngũ vừa làm vừa nghiên cứu của Én Bạc Studio sau 5 năm đã cho ra tác phẩm Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên.
"Để làm bộ phim này đáng ra chỉ mất một năm rưỡi, nhưng chúng tôi phải xây dựng đội ngũ, trong quá trình làm có rất nhiều người ra đi vì lời mời hấp dẫn bên ngoài, mình lại không có đủ tiền để giữ chân họ… nên mới mất nhiều thời gian như vậy. Ngoài ra điện ảnh là niềm đam mê, chứ không phải chuyên môn của tôi", Lê Nguyên Bảo cho biết.
Một khó khăn hiện hữu đoàn làm phim phải đối mặt là phim tài liệu đòi hỏi độ chính xác, trung thực rất cao. Trong khi nguồn tài liệu của cả Việt Nam và Mỹ có độ vênh nhất định.
"Cho đến nay, cả hai bên Mỹ và Việt Nam đều phải thừa nhận tư liệu đôi bên chênh nhau. Phân giải đúng sai thế nào đó là việc của các nhà nghiên cứu. Tôi đã nói với Én Bạc Studio, không ngại chuyện khác nhau, vấn đề là mình trung thực với chính mình."---Ông Nguyễn Sỹ Hưng, cố vấn cho Én Bạc Studio - Đồng tác giả cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) Nhìn từ hai phía---
Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên tái hiện lại trận chiến đầu tiên của Không quân Việt Nam do trung đoàn Sao Đỏ 921 thực hiện.
Đó là cuộc chiến "trứng chọi đá" bởi không quân Mỹ rất thiện chiến, tinh nhuệ, với dàn máy bay hiện đại, phi công Mỹ đều có kinh nghiệm hàng ngàn giờ bay.
Trong khi đó những người lính Việt Nam chủ yếu đánh bộ, nay được đào tạo làm phi công cũng chỉ thực hiện đến 200 giờ bay. Những chiếc MiG-17 quý giá mà ta được Liên Xô tài trợ lúc đó bị coi là cổ lỗ sĩ so với máy bay Mỹ.
Hình ảnh bốn chiến sĩ quả cảm của trung đoàn Sao Đỏ.
Bốn chiến sĩ của trung đoàn Sao Đỏ với lòng quả cảm, quyết tâm sắt đá, thông minh, linh hoạt đã biến không thể thành có thể.
Dù sau đó ba đồng chí đã hi sinh, nhưng việc trung đoàn Sao Đỏ bắn rơi máy bay Mỹ đã tạo nên động lực lớn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Trần Hanh của trung đoàn Sao Đỏ có mặt tại buổi chiếu phim đã chia sẻ: "Bộ phim làm ác liệt không khác gì với trận chiến thực sự của chúng tôi. Xem bộ phim này chúng tôi rất xúc động".
Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo cho biết dù đội ngũ đã thấm mệt, nhưng sau phim tài liệu Không chiến Việt Nam, ê-kíp vẫn ấp ủ ý định làm một bộ phim điện ảnh về các cuộc chiến trên không của Việt Nam.
"Làm phim điện ảnh sẽ có quyền tưởng tượng, được phiêu hơn, bớt áp lực phải chuẩn xác như phim tài liệu", Lê Nguyên Bảo nói.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam: "Dù trong phim có một số chi tiết mà người trong nghề thấy chưa thật đúng. Đơn cử trong không chiến máy bay MiG-17 không thể bám đuôi, mà chỉ có thể cắt vào. Tuy nhiên với tư cách một phi công, tôi cảm thấy vẫn chấp nhận được. Cách tiếp cận của nhà làm phim rất dũng cảm, nỗ lực tôn trọng lịch sử của họ thật đáng ghi nhận"
(Nguồn:https://tuoitre.vn/vo-oa-khi-xem-mig-17-ban-roi-may-bay-my-cua-khong-chien-viet-nam-20190516062400071.htm?fbclid=IwAR1qfjnNQqJ3sPArvjDudfL_9T4VHDeaC9gZbEQgJBeTGRpmeUd0N_APtdk)