Từ ngày 5 - 7/12/2018, TS. Ranjan Bandyopadhyay - Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội của Đại học Duy Tân đã có chuyến công tác tại Đại học Oxford và tham gia báo cáo tại Hội nghị chuyền đề về Tôn giáo do Đại học Oxford tổ chức.
Hội nghị Oxford Symposium on Religious Studies quy tụ những học giả nổi tiếng về tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới để cùng nhau chia sẻ những nghiên cứu và quan điểm mình về các vấn đề như: Tôn giáo và biến đổi khí hậu, tôn giáo và giới tính, lịch sử tôn giáo, đạo đức tôn giáo, chủ nghĩa thế tục, khủng hoảng tôn giáo, xung đột tôn giáo, tôn giáo và sự phân biệt chủng tộc,… TS. Ranjan đại diện cho Đại học Duy Tân của Việt Nam tham dự Hội nghị với báo cáo có tựa đề: “Helping the Poorest of the Poor" Globalization of Suffering, White Savior Complex, Mother Teresa, Religion and Modernity” (Tạm dịch: “Giúp đỡ những người nghèo nhất trong những người nghèo” Toàn cầu hóa của khổ đau, Vị cứu tinh da trắng, Mẹ Teresa, Tôn giáo và tính hiện đại).
TS. Ranjan Bandyopadhyay là nghiên cứu viên tại Đại học Duy Tân
Tham luận của TS. Ranjan nhận được phản hồi tích cực của các chuyên gia tại Hội nghị bởi đã đề cập tới một vấn đề được rất nhiều người quan tâm nhưng lại khá nhạy cảm. Ông chỉ trích Mẹ Teresa - người được coi như một vị Thánh và được trao giải Nobel Hòa bình - vì cách mà bà truyền bá tư tưởng Công giáo Rô-ma và cách thức mà bà kêu gọi, thuyết phục mọi người theo đạo của mình. Ngoài ra, ông chỉ ra sự lạm quyền của người da trắng khi cho phép mình khai thác nhân công và tài nguyên của các quốc gia từ thời thuộc địa đến gia đoạn phát triển hiện nay của các nước đang phát triển". Tham luận này đã được tạp chí Sustainable Tourism chấp nhận đăng với SSCI, Q1, Impact Factor là 3.3.
Cũng trong chuyến công tác tại Đại học Oxford, TS. Ranjan đã được đi tham quan và tìm hiểu các chương trình đào tạo tại đây, đồng thời có cơ hội giao lưu với các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Anh hay Israel để tìm kiếm các cơ hội hợp tác cho bản thân và Đại học Duy Tân.
Là một nhà khoa học dành nhiều năm nghiên cứu về nhân chủng học, xã hội học, khoa học chính trị, lịch sử, triết học, địa lý và kinh tế, TS. Ranjan thường đưa ra những phương pháp nghiên cứu thực nghiệm rất độc đáo. Ông lồng ghép các kiến thức mình học được tại Ấn độ, Mỹ; kinh nghiệm giảng dạy tại Anh, Mỹ và Thái Lan và những trải nghiệm của bản thân với các tài liệu học thuật của các lĩnh vực khác nhau để tiến hành các nghiên cứu của mình.
TS. Ranjan Bandyopadhyay trình bày tại Hội thảo
Nhiều nghiên cứu của ông đề cập tới các vấn đề về tôn giáo. Một số nghiên cứu khác của ông là phản ánh các tác động về chính trị và xã hội đối với du lịch hay khẳng định du lịch là một nền tảng định hình bản sắc. Ông đã từng có rất nhiều nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí hàng đầu thế giới và từng là Phó Tổng biên tập tạp chí Visual Methodologies (Thụy Sĩ). Mới đây, nghiên cứu về sự tác động của du lịch tới văn hóa xã hội tại các nước đang phát triển của ông được đăng tải trên tạp chí Newsweek.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, TS. Ranjan cho biết: ”Tôi hiểu rằng khi thực hiện các nghiên cứu có tính thực nghiệm thì nỗ lực của một cá nhân là không đủ. Trong thời gian tới đây, cùng sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp và các bạn sinh viên tại Đại học Duy Tân, chúng tôi sẽ cùng nhau phát triển và đưa ra nhiều nghiên cứu có ích cho xã hội hơn nữa. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng có thể đem những kiến thức và kinh nghiệm truyền đạt lại cho các bạn sinh viên, học viên tại Đại học Duy Tân và cùng nhau tạo nên một thế hệ chuyên gia mới tại Đại học Duy Tân.”
(Truyền Thông)