English

Đại học

Gần 500 Sinh viên Duy Tân Tham dự Lớp Truyền thông về HIV/AIDS năm 2018

Ngày 5/12/2018, Đội Y tế Dự phòng cùng với Quận đoàn Hải Châu và Đoàn trường Đại học Duy Tân đã tổ chức Lớp Truyền thông về HIV/AIDS- Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 tại Hội trường 613, cơ sở số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. 
 
Chương trình có sự tham dự của Đồng chí Lê Phú Cường - Phó Bí thư Quận Đoàn Hải Châu, Bác sĩ Trần Minh Hồi - Đội trưởng đội Y tế dự phòng - Trung tâm Y tế Quận Hải Châu, ThS. Mai Xuân Bình - Bí thư Đoàn trường và gần 500 sinh viên các khóa của Đại học Duy Tân
 
Buổi truyền thông nằm trong kế hoạch tổ chức 6 lớp truyền thông về HIV/AIDS cho đối tượng là đoàn viên thanh niên, đội viên và học sinh, sinh viên các trường đại học đóng trên địa bàn Quận Hải Châu nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các bạn trẻ về công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS xâm nhập học đường. 
 
Gần 500 Sinh viên Duy Tân Tham dự Lớp Truyền thông về HIV/AIDS năm 2018
Bác sĩ Trần Minh Hồi - Báo cáo viên Truyền thông về HIV/AIDS
 
HIV/AIDS là gì?
 
Báo cáo viên truyền thông của chương trình, Bác sĩ Trần Minh Hồi cho biết tình hình nhiễm HIV/AIDS tại Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2018 là đáng báo động với 56 trường hợp nhiễm mới. Trong 56 trường hợp thì lây nhiễm qua đường tình dục 55 người, chiếm 98,2% và lây nhiễm qua đường máu chiếm 1,18%. Tỉ lệ nhiễm của Nam giới là 80,4%, nữ 19,6%. Tổng số trường hợp phát hiện bệnh đến ngày 30/6/2018 tại thành phố là 1.276 trường hợp. 
 
HIV là một chữ viết tắt của loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người. AIDS là chữ viết tắt của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư,... Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu với HIV.
 
Nguyên tắc dự phòng cơ bản
 
HIV có trong tất cả các dịch tiết sinh học của người nhiễm, nhưng chỉ trong: máu, dịch sinh dục và sữa mẹ nhiễm HIV thì mới có đủ lượng HIV có thể làm lây truyền HIV sang người khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi như là điều trị đặc hiệu. Bởi vì ARV làm giảm tải lượng vi rút trong cơ thể người nhiễm HIV/AIDS. ARV làm ức chế sự nhân lên của vi rút do đó duy trì được lượng vi rút thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ. Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.
 
Gần 500 Sinh viên Duy Tân Tham dự Lớp Truyền thông về HIV/AIDS năm 2018
Đông đảo sinh viên quan tâm đến dự buổi tuyên truyền
 
Hướng tới mục tiêu 90-90-90
 
-90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình
 
-90% người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV 
 
-90% người nhiễm HIV/AIDS được điều trị.
 
Hãy cùng hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS để cùng hướng đến một xã hội tốt đẹp, không kỳ thị và không còn trường hợp nhiễm HIV.
 
(Truyền Thông)