Sau một tháng dành cho cộng đồng bình chọn, Ban tổ chức Cuộc thi “Intel Innovative FPGA 2017” đã công bố các đề tài lọt vào vòng Bán kết Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt trong số đó có 2 đề tài “Hệ thống cảnh báo ngủ gật sử dụng vi mạch khả trình FPGA” (Mã AP071) và “Hệ thống xử lý hình ảnh nhận diện làn đường sử dụng thuật toán chuyển đổi Hough” (Mã AP075) của sinh viên đến từ Khoa Điện - Điện tử, Đại học Duy Tân.
Sơ đồ hệ thống hai đề tài lọt vào Bán kết Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
của sinh viên Khoa Điện - Điện tử
Được tổ chức bởi Tập đoàn Intel & Terasic (Mỹ), “Intel Innovative FPGA 2017” là cuộc thi quốc tế chuyên về thiết kế Hệ thống Nhúng. Cuộc thi tạo cơ hội cho mọi đối tượng từ sinh viên, kỹ sư, giáo sư đến các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất Hệ thống Nhúng thỏa sức thiết kế và sáng tạo. “Intel Innovative FPGA 2017” khởi động từ tháng 12/2017 và được chia làm 4 khu vực, bao gồm: Mỹ, Châu Âu - Trung Đông, Trung Quốc và Châu Á - Thái Bình Dương. Những đội đạt giải Nhất, Nhì, Ba mỗi khu vực, ngoài Giấy khen và Tiền thưởng sẽ nhận được một chuyến đi tới Mỹ để tiếp tục tranh tài tại Vòng Chung kết Thế giới.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có hơn 100 đề tài của sinh viên, kỹ sư và nhiều doanh nghiệp gửi về dự thi. Kết quả sau 1 tháng bình chọn trực tuyến trên website của cuộc thi (từ 31/12/2017 - 30/1/2018), hai đề tài được thực hiện bởi sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Đại học Duy Tân đã xuất sắc nằm trong Top những đề tài có lượt bình chọn cao nhất và giành “vé” bước vào Vòng Bán kết khu vực. 2 đề tài đó là: “Hệ thống cảnh báo ngủ gật sử dụng vi mạch khả trình FPGA” (Mã AP071) của 2 sinh viên Nguyễn Thế Đức và Hồ Văn Chương, và đề tài “Hệ thống xử lý hình ảnh nhận diện làn đường sử dụng thuật toán chuyển đổi Hough” (Mã AP075) do sinh viên Lê Minh Hải và Trương Quốc Dũng thực hiện.
Nhóm sinh viên Khoa Điện - Điện tử (Đại học Duy Tân) nghiên cứu thực hiện hai đề tài
Sử dụng công nghệ học máy Machine Learning kết hợp với công nghệ xử lý hình ảnh và các thuật toán (thuật toán SVM cho đề tài AP071 và thuật toán Hough cho đề tài AP075), sinh viên Khoa Điện - Điện tử (Đại học Duy Tân) mong muốn tạo nên những hệ thống giúp lái xe an toàn và đúng luật hơn. Với đề tài AP071, Camera được đặt đối diện với tài xế sẽ thu lại hình ảnh khuôn mặt và khi tài xế có dấu hiệu mệt mỏi hay buồn ngủ sẽ có loa phát ra tín hiệu cảnh báo. Bên cạnh đó, tần suất mệt mỏi hàng ngày của tài xế cũng được hệ thống lưu lại và tính toán xác suất để đưa ra cảnh báo trước. Với đề tài AP075, Camera được đặt phía trước xe để nhận biết làn xe và tình trạng xe lưu thông trên đường. Khi xe đi sai làn đường, hệ thống sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo để tài xế có thể điều chỉnh lại hướng đi an toàn và đúng luật.
Là thành viên trong nhóm thực hiện đề tài AP075, sinh viên Lê Minh Hải (Lớp K20ETS) cho biết: “Bước vào vòng Bán kết khu vực, chúng em có 2 tháng để tiếp tục phát triển đề tài của mình với bộ công cụ hỗ trợ Terasic DE10-Nano do Ban Tổ chức gửi về. Ngoài file mềm bản thiết kế với các mục như Mô tả các chức năng của hệ thống, Phương pháp thiết kế, Mục tiêu hiệu suất của hệ thống,... chúng em còn thực hiện video chạy demo hệ thống gửi đi để Ban Tổ chức chấm chọn. Quy mô của cuộc thi năm nay rất lớn và có sự tham gia của nhiều kỹ sư với các công ty chuyên về Hệ thống Nhúng nên sự cạnh tranh rất cao. Với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô Đại học Duy Tân, chúng em sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để có thể gặt hái được những thành công nhất định.”
(Truyền Thông)