Tăng trưởng về Số lượng
Một trong những chỉ số đánh giá sự phát triển của một trường đại học là lượng công bố quốc tế tích lũy và hàng năm. Trong năm 2017, Đại học (ĐH) Duy Tân đã có 372(*) công trình ở cấp độ quốc tế. Chiếm 92% trong số đó là các bài báo ISI (với 340 bài) - đây là những bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học chất lượng cao do Viện Thông tin Khoa học Hoa Kỳ (ISI) lựa chọn. Các công bố còn lại gồm 12 bài báo Scopus, 13 bài báo quốc tế khác, và 7 chương sách (book chapter) được phát hành bởi các nhà xuất bản danh tiếng như Springer, Elsevier, Wiley, và IGI Global.
Các nhà Khoa học làm việc trong Phòng Thí nghiệm hiện đại tại Đại học Duy Tân
Với lượng công bố đó, có nghĩa trung bình mỗi một ngày trong năm 2017, ĐH Duy Tân đã công bố được 1 công trình ở đẳng cấp quốc tế. Đây là lần đầu tiên năng suất công bố quốc tế trung bình trong năm của các nhà nghiên cứu ĐH Duy Tân chạm đến cột mốc này, đánh dấu một thành tựu nữa trong chuỗi nhiều sự kiện nổi bật của ĐH Duy Tân trong năm qua ví dụ Kiểm định Chất lượng Quốc gia đầu tiên của khối Ngoài Công lập, Giải Nhất Nhân tài Đất Việt, Giải Newton Prize 2017,... Kết quả này cũng lần lượt gấp hơn 1.6 và 3.5 lần so với lượng công bố các năm 2016 và 2015 (230 và 105 bài).
Nâng cao về Chất lượng
Xét riêng công bố ISI, năm 2017 ĐH Duy Tân có nhiều bài báo được gởi đăng trên các tạp chí lừng danh với hệ số ảnh hưởng (Impact Factor - IF) rất cao. Chẳng hạn, với hệ thống The Lancet có các tạp chí Lancet (IF=47.831; 7 bài), Lancet Neurology (26.284; 1 bài), Lancet Respiratory Medicine (19.287; 1 bài), Lancet Global Health (17.686, 1 bài). Hoặc với hệ thống JAMA có JAMA Oncology (16.559; 2 bài), JAMA Pediatrics (10.251; 1 bài).
Cần biết rằng tỉ lệ từ chối đăng bài do các hệ thống tạp chí này tự công bố lên tới 95% như của The Lancet, hoặc 89% như của JAMA - nghĩa là cứ 100 bài báo gửi đến tòa soạn thì chỉ có 5 và 11 bài được đăng, để thấy được những nỗ lực vượt trội về chất của các nhà nghiên cứu ở ĐH Duy Tân trong năm qua.
Bên cạnh những bài báo thuộc hàng đỉnh cao nói trên, lượng công bố trên các tạp chí với dải IF từ 4 đến 10 cũng có đến 39 bài. Tiêu biểu như các tạp chí Environmental Health Perspectives, Seminars in Cell & Developmental Biology, Journal of Power Sources, Carbon, Chemical Engineering Journal, European Physical Journal C, Chemistry-A European Journal,… Như vậy có thể thấy rằng, bên cạnh tăng trưởng về số lượng, những cố gắng của ĐH Duy Tân trong việc nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu đã mang lại thành quả đáng tự hào.
Chủ trì nghiên cứu
Ngày nay, để nghiên cứu và công bố một công trình khoa học, đặc biệt là khoa học thực nghiệm, rất khó để một nhà nghiên cứu tiến hành một mình mà thường cần có sự hợp tác với các nhà nghiên cứu khác, giữa các trường đại học và viện nghiên cứu. Thông thường, để ra một bài báo sẽ cần sự hợp tác từ một vài cho đến hơn chục tác giả, nhưng cá biệt cũng có bài báo có đến hàng nghìn tác giả.
Với những bài báo có nhiều tác giả, vấn đề làm sao xác định mức độ đóng góp của mỗi người cho đến nay vẫn làm đau đầu các nhà quản lý khoa học. Tuy vậy, có một vài dấu hiệu để nhận biết ai là người có đóng góp chính cho công trình. Ở một mức độ tương đối, tác giả đầu tiên và/hoặc tác giả liên hệ của bài báo có thể được xem là các tác giả chính, tức là những người đã làm chủ chủ đề nghiên cứu.
Trong số 340 bài báo ISI của năm 2017, các nhà nghiên cứu của ĐH Duy Tân là tác giả chính của 243 bài, chiếm tỉ lệ 71.2%. Trong khi đó ở các năm 2016 và 2015, tỉ lệ này lần lượt là 67.9% (142/209) và 63.4% (64/101). Rõ ràng, dữ liệu này cho thấy các nhà khoa học của ĐH Duy Tân đã có đóng góp chính, đến gần ba phần tư, trong tổng số công bố; qua đó thể hiện được năng lực chủ trì nghiên cứu của mình. Hơn nữa, năng lực này vẫn tăng dần qua các năm, là bằng chứng cho thấy chính sách đầu tư nghiên cứu của trường đã và đang mang lại hiệu quả.
Được quốc tế ghi nhận…
Với những nỗ lực trên, mới đây ĐH Duy Tân đã vinh dự được Nature, nhà xuất bản khoa học danh tiếng thế giới, xướng tên trong bảng xếp hạng năng lực nghiên cứu của các trường viện theo từng quốc gia. Chỉ số xếp hạng này, gọi là Nature Index, đánh giá dựa vào thành tích công bố ISI trên các tạp chí hàng đầu thế giới và có tính đến mức độ đóng góp của mỗi trường/viện.
Xếp vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng của Việt Nam, ĐH Duy Tân là một trong hai trường đại học ở miền Trung (bên cạnh ĐH Vinh), và là đại diện ngoài công lập duy nhất góp mặt trong top 10 đơn vị có năng lực nghiên cứu mạnh nhất tại Việt Nam. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi năm 2016 ĐH Duy Tân cũng đã xếp vị trí thứ 8. Sự góp mặt liên tiếp này là minh chứng hùng hồn cho việc năng lực nghiên cứu của ĐH Duy Tân đang dần ổn định, phản ánh tính hiệu quả của chính sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học của trường.
Xếp hạng cho năm 2017 - Nguồn: NatureIndex.com
Với những thành quả đã đạt được, ĐH Duy Tân tự tin đặt mục tiêu tiếp đến sẽ trở thành một trường đại học nghiên cứu lớn không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương trong những năm đến.
(Khoa Bảo)