Ngày 4/12/2017, Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Aptamer trong kiểm soát an toàn thực phẩm” với phần trình bày của TS. Trần Thị Thanh Thỏa - Cán bộ Đại học Duy Tân đang làm nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Korea. Hội thảo do TS. Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Sinh học Phân tử Đại học Duy Tân chủ trì cùng sự tham gia đông đảo của cán bộ Trung tâm Sinh học phân tử và Trung tâm Hóa tiên tiến Đại học Duy Tân.
TS. Trần Thị Thanh Thỏa báo cáo tại Hội thảo
Tại Hội thảo, TS. Trần Thị Thanh Thỏa đã trình bày một số kết quả trong nghiên cứu về Aptamer. Bắt đầu nghiên cứu về Aptamer từ năm 2012, TS. Trần Thị Thanh Thỏa có nhiều kinh nghiệm làm việc với những Giáo sư hàng đầu về Aptamer trên thế giới, đồng thời cũng đã có một số bài báo được đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng như Scientific Report. Hiện tại, TS. Trần Thị Thanh Thỏa đang là Giáo sư Nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Biosensors and BioTechnology, thuộc trường Đại học Korea và đang nghiên cứu về ứng dụng Aptamer để phát hiện và định lượng thuốc trừ sâu trong thức ăn.
Aptamer có thể gắn chọn lọc và ái lực cao với các chất độc trong thực phẩm thông qua quá trình chọn lọc SELEX, đồng thời Aptamer cũng có khả năng gắn với huỳnh quang và các hạt nano. Thông qua sự thay đổi các tín hiệu này sau khi gặp chất độc mà có thể dùng để định lượng lượng độc tố.
Cấu trúc Aptamer - Ảnh minh họa
“Việc chế tạo Aptamer đơn giản, nhanh và hiệu quả hơn so với các chất khác. Đặc biệt Aptamer lại có độ bền với các tác nhân hóa lý nên Aptamer là một hướng nghiên cứu mới, đòi hỏi rất nhiều kiến thức từ sinh học cơ bản tới hóa lý. Ở Việt Nam, hiện nay mới chỉ có 2 công trình nghiên cứu được công bố trên ISI. Với kinh nghiệm nghiên cứu của các nhà khoa học cùng cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ và hiện đại, Trung tâm Sinh học Phân tử và Trung tâm Hóa tiên tiến của Đại học Duy Tân hoàn toàn có thể cùng nhau hợp tác để làm các bộ KIT giúp kiểm tra an toàn thực phẩm.”, TS. Trần Thị Thanh Thỏa nhấn mạnh trong buổi Hội thảo.
Với những kinh nghiệm nghiên cứu về Sinh học phân tử và bệnh học, TS. Nguyễn Minh Hùng cho rằng: “Nghiên cứu Aptamer là một hướng nghiên cứu mới, rất lý thú nhưng cần phải kết hợp các kiến thức đa ngành. Việc hợp tác giữa các nhà khoa học ở các vĩnh vực Sinh học, Vật lý, Hóa học sẽ mở ra những hướng nghiên cứu mới, không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học và còn có nhiều ứng dụng hữu ích trong thực tiễn. Kỹ thuật ứng dụng Aptamer có thể giúp định tính và định lượng các độc tố trong thức ăn, nước uống như kim loại nặng, các độc tố từ vi sinh vật; các ứng dụng trong y học như phát hiện vi sinh vật gây bệnh, phát hiện các marker phân tử (chất chỉ điểm sinh học); hay xác định các chỉ số về môi trường…”
(Truyền Thông)