Trong sự kiện “Ngày Newton Việt Nam” diễn ra tại trụ sở Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam ngày 16.11.2017, ông Giles Lever, Đại sứ Anh tại Việt Nam đã công bố dự án xuất sắc của Việt Nam được trao giải Newton Prize 2017.
Vinh dự đó thuộc về dự án Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: “Xã hội kết nối” cho thành phố của tương lai được thực hiện bởi TS Dương Quang Trung (Đại học (ĐH) Queen's Belfast - Vương quốc Anh) và TS Võ Nguyên Sơn (
ĐH Duy Tân - Việt Nam) với trị giá 200.000 bảng Anh (gần 6 tỉ đồng Việt Nam) cho những bước nghiên cứu tiếp theo.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, Giles Lever và Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Quốc Khánh trao giải Newton Prize 2017 cho TS Dương Quang Trung (thứ 2 từ phải sang) và TS Võ Nguyên Sơn (thứ 2 từ trái sang)
Quỹ Newton xây dựng quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh với 18 quốc gia đối tác nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ kinh tế - xã hội bền vững tại các quốc gia này. Với tổng kinh phí lên tới 735 triệu bảng Anh từ Chính phủ Anh và nguồn góp đối ứng từ các nước đối tác tính đến năm 2021, Quỹ Newton mang đến cho các nhà khoa học nhiều cơ hội để thực hiện các nghiên cứu hữu ích cho xã hội. Newton Prize do Hội đồng Giải thưởng Newton (Quỹ Newton, Vương quốc Anh) phối hợp với UNESCO đồng tổ chức là giải thưởng danh giá ghi nhận những nỗ lực của các nhà khoa học với những dự án xuất sắc nhất. Giải thưởng do một hội đồng gồm 10 giáo sư hàng đầu của Vương quốc Anh xét duyệt, đứng đầu là Chủ tịch Hội Khoa học Hoàng gia Anh quốc, GS Sir Venki Ramakrishnan (người từng đoạt giải Nobel Hóa học năm 2009).
Có 5 dự án đến từ Việt Nam đã lọt vào danh sách đề cử nhận giải Newton Prize 2017 nhưng chỉ có duy nhất có 1 dự án đến từ Việt Nam được nhận giải thưởng uy tín này. Và dự án Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: “Xã hội kết nối” cho thành phố của tương lai do TS Dương Quang Trung - ĐH Queen's Belfast phối hợp với TS Võ Nguyên Sơn - giảng viên Khoa Điện - Điện tử, ĐH Duy Tân thực hiện đã đạt được mọi tiêu chí của hội đồng xét duyệt giải thưởng để được trao giải Newton Prize 2017, khi tìm ra được một giải pháp, giúp thông tin vẫn được truyền đi thông suốt ngay cả trong các điều kiện bất lợi hoặc thiên tai.
Dự án cũng đã nhận giải thưởng Công trình Nghiên cứu xuất sắc nhất tại Hội nghị IEEE GLOBECOM 2016 ở Washington D.C., Mỹ
Hệ thống Vô tuyến không đồng nhất tích hợp (IHWS - Integrated Heterogeneous Wireless System) đáp ứng các yêu cầu về truyền tín hiệu trong điều kiện thiên tai, ngay cả khi mạng viễn thông bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn cung cấp năng lượng bị hỏng/cạn kiệt, hay mạng truyền thông bị tắc nghẽn. Hệ thống cũng hỗ trợ tính năng cảnh báo sớm thiên tai bằng cách phát hiện sớm thay đổi về mực nước, độ chấn động, và tốc độ gió ở những nơi thường xảy ra thiên tai. Riêng ở các thành phố lớn, hệ thống có khả năng phát hiện sự gia tăng đột biến về nồng độ bụi, nhiệt độ, độ ồn, và mức khí thải (CO2) để có những giải pháp kịp thời nhằm hạn chế tác động của quá trình đô thị hóa đến chất lượng sống của người dân.
TS Dương Quang Trung chia sẻ niềm vui, sự bất ngờ khi nhận được giải thưởng: “Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2014, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 649 đợt thiên tai khiến gần 10.000 người thương vong và 1,5 triệu ngôi nhà bị tàn phá. Mặc dù Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai và hạn chế ô nhiễm, song các giải pháp khoa học kỹ thuật vẫn chưa được nghiên cứu và triển khai hiệu quả. Do đó, việc thực hiện thành công Hệ thống Vô tuyến không đồng nhất tích hợp là thực sự ý nghĩa để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Chúng tôi rất vui khi nhận được giải thưởng ý nghĩa này. Giải Newton Prize 2017 dành cho Việt Nam năm nay đã cho thấy hoạt động nghiên cứu của ĐH Duy Tân đang phát triển mạnh cả về năng lực nghiên cứu và số lượng công bố quốc tế. Nguồn nhân lực nghiên cứu làm việc tại ĐH Duy Tân đang ngày càng khẳng định được chất lượng và sự uy tín, có đủ khả năng hợp tác với các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học tại các đại học danh tiếng trên thế giới để thực hiện các nghiên cứu mang tầm quốc tế”.
Trở về từ Lễ trao giải Newton Prize 2017, TS Võ Nguyên Sơn, ĐH Duy Tân cho biết: “Kết quả nghiên cứu của dự án rất khả quan với việc công bố 27 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI và 18 bài báo hội nghị quốc tế. Đồng thời dự án đã đoạt giải công trình nghiên cứu xuất sắc nhất tại hội nghị lớn nhất ngành viễn thông trên thế giới IEEE GLOBECOM 2016. Các thiết bị của Hệ thống Vô tuyến không đồng nhất tích hợp đã được triển khai tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai ở Quảng Nam và các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh ở Đà Nẵng. Với tài trợ nghiên cứu tiếp tục có được từ giải Newton Prize 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai cải tiến để Hệ thống Vô tuyến không đồng nhất tích hợp hoạt động tối ưu hơn trong các điều kiện bất lợi. Đoạt được Giải Newton Prize 2017, bản thân tôi và các nhà nghiên cứu đang làm việc tại ĐH Duy Tân càng thêm phấn chấn trong công tác nghiên cứu và tin tưởng mục tiêu rất quan trọng của nhà trường là đến năm 2022 sẽ nằm trong Top 300 trường đại học của châu Á - theo xếp hạng của Time Higher Education (THE)”.
Sau khi trao giải “Newton Prize 2017” cho Việt Nam, Hội đồng giải thưởng đã tiếp tục trao giải cho Thái Lan vào ngày 22.11.2017 và cho Malaysia vào ngày 24.11.2017. Trước đó, giải thưởng đã được trao cho 2 dự án tại Ấn Độ vào ngày 1.11.2017. Đây là các dự án xuất sắc nhất được lựa chọn từ 150 dự án đăng ký tham gia xét chọn cho giải Newton Prize 2017 có giá trị lên tới 1 triệu bảng Anh. Giải Newton Prize được tổ chức thường niên từ năm 2017 đến 2021.
(Nguồn:https://thanhnien.vn/giao-duc/dh-duy-tan-va-queens-belfast-nhan-giai-newton-prize-2017-tri-gia-200000-bang-anh-910265.html)