English

Thành tích

Dự án 'Xã hội Kết nối' nhận Giải thưởng Newton gần 6 tỷ đồng

Nhằm duy trì kênh truyền thông tin trong điều kiện bất lợi như thiên tai, dự án kết hợp giữa đại học của Anh và Việt giành giải Newton 2017.

Sáng 16/11, trong khuôn khổ hội thảo “Ngày Newton Việt Nam” tổ chức ở Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Đại sứ quán Vương quốc Anh đã trao giải thưởng Newton Việt Nam nhằm ghi nhận thành tựu của các nhà khoa học. Giải thưởng được xét tuyển bởi một hội đồng độc lập, đứng đầu là nhà khoa học Anh đạt giải Nobel năm 2009 Venkatraman Ramakrishnan.

Vượt qua vòng sơ loại và vòng cạnh tranh cuối cùng, dự án “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: Xã hội kết nối cho thành phố của tương lai” của TS Dương Quang Trung (Đại học Qeen’s Belfast) và TS Võ Nguyên Sơn (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) đã giành giải thưởng Newton trị giá 200.000 Bảng Anh (gần 6 tỷ đồng).

Dự án 'Xã hội Kết nối' nhận Giải thưởng Newton gần 6 tỷ đồng
Đại sứ Anh tại Việt Nam và Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh trao giải cho dự án chiến thắng
 
TS Dương Quang Trung, một trong hai tác giả dự án, bày tỏ bất ngờ khi nhận được giải thưởng. Được tài trợ bởi Quỹ Newton, dự án đã tận dụng các công nghệ và cơ sở hạ tầng mạng viễn thông không dây hiện có nhằm đảm bảo yêu cầu kết nối trong điều kiện thiên tai tại Việt Nam.

“Đây chính là thời điểm mà cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cơ sở hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển ở khu vực nông thôn hay mức tiêu thụ năng lượng cao cùng với ô nhiễm đáng báo động do quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở khu vực thành thị”, ông Trung nói.

Dự án tập trung giải quyết yêu cầu về duy trì kênh truyền thông tin trong điều kiện bất lợi. Nhóm dự án đã thiết kế hệ thống vô tuyến không đồng nhất tích hợp với tính bền vững cao nhằm đáp ứng các yêu cầu về kênh truyền thông tin trong điều kiện thiên tai, ngay cả khi mạng viễn thông hiện có bị phá hủy, nguồn cung cấp năng lượng bị hỏng hay cạn kiệt và mạng bị tắc nghẽn.

Hệ thống cũng hỗ trợ tính năng cảnh báo sớm thiên tai bằng cách phát hiện sớm mực nước, độ chấn động và tốc độ gió ở những nơi thường xảy ra thiên tai. Đối với các thành phố lớn, hệ thống có khả năng phát hiện sự gia tăng đột biến về nồng độ bụi, nhiệt độ, độ ồn và mức khí thải (CO2) để có giải pháp kịp thời nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến chất lượng sống người dân.

Hệ thống được đánh giá có nhiều tiềm năng ứng dụng trong việc quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như các dịch vụ y tế điện tử. Hiện, các thiết bị của hệ thống này đã được triển khai tại những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai ở Quảng Nam và khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh ở Đà Nẵng. Dự án từng đạt giải công trình nghiên cứu xuất sắc tại IEEE Globecom 2016 - hội nghị lớn nhất ngành viễn thông trên thế giới được tổ chức tại Washington (Mỹ).
 

Quỹ Newton Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh đồng quản lý, là cầu nối đưa nhà khoa học hai nước đến gần nhau, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cơ sở vật chất và góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội thiết thực tại Việt Nam.

Sau ba năm hoạt động, hai nước đã đồng cung cấp gần năm triệu bảng Anh (gần 150 tỷ đồng) cho 162 suất tài trợ với gần 400 người hưởng lợi - chủ yếu là nhà khoa học thuộc 60 tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và 43 tổ chức nghiên cứu Anh quốc, trong đó có những đại học hàng đầu như Đại học Cambridge, Đại học Oxford.

106 lượt nhà khoa học của Việt Nam đã được đào tạo tại Anh và 25 dự án hợp tác nghiên cứu chung đang tập trung vào các vấn đề như tình trạng kháng kháng sinh, ô nhiễm không khí đô thị, tài nguyên nước bền vững vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

 
(Nguồn:https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/du-an-xa-hoi-ket-noi-nhan-giai-thuong-newton-gan-6-ty-dong-3671320.html)