Dự án “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: ''Xã hội kết nối'' cho thành phố của tương lai” của TS Dương Quang Trung (Đại học Queen's Belfast) và TS Võ Nguyên Sơn (ĐH Duy Tân) đã vượt qua 4 đối thủ "đáng gờm" để đạt Giải thưởng Newton Việt Nam 2017.
Dự án "xây dựng nền tảng phát triển bền vững: "Xã hội kết nối" cho thành phố của tương lai" đạt Giải thưởng Newton trị giá 200.000 Bảng Anh
Sáng 16/11/2017, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra Lễ kỷ niệm chương trình hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo Việt Nam - Vương quốc Anh và trao giải thưởng Newton Việt Nam.
Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh và Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cùng đông đảo các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học Việt Nam đã/đang thụ hưởng hoặc quan tâm tìm hiểu về Quỹ Newton Việt Nam.
Quỹ Newton Việt Nam bắt đầu khởi động vào năm 2014, là chương trình hợp tác tổng thể đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo. Chương trình hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội thông qua khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như giải quyết những thách thức trong hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để trở nên có hiệu quả hơn.
Quỹ Newton Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh đồng quản lý. Sau hơn 3 năm hoạt động, Quỹ Newton Việt Nam đã là cầu nối hiệu quả đưa nhà khoa học hai nước đến gần nhau, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cơ sở vật chất và cùng góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội thiết thực tại Việt Nam.
Đến nay, hai nước đã đồng cung cấp gần 5 triệu Bảng Anh (tương đương với gần 150 tỷ đồng Việt Nam) cho 162 suất tài trợ với gần 400 người hưởng lợi - chủ yếu là các nhà khoa học thuộc 60 tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và 43 tổ chức nghiên cứu Anh quốc, trong đó có những trường hàng đầu của Vương quốc Anh như Đại học Cambridge, Đại học Oxford, University College London. 106 lượt nhà khoa học của Việt Nam đã được đào tạo tại Anh và 25 dự án hợp tác nghiên cứu chung đang tập trung vào các vấn đề như tình trạng kháng kháng sinh, ô nhiễm không khí đô thị, tài nguyên nước bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, ...
Chương trình Newton tại Việt Nam tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên: y tế, nông nghiệp, môi trường và năng lượng, đô thị hóa và kỹ thuật số. Chương trình gồm 3 nhóm hoạt động chính: Đào tạo cá nhân (học bổng nghiên cứu và đào tạo cho cá nhân; Nghiên cứu (các dự án hợp tác nghiên cứu chung về các chủ đề phát tiển); và Chuyển giao (đào tạo và hợp tác để đưa kết quả nghiên cứu thành giải pháp phát triển thực tế).
Giải thưởng Newton là sáng kiến của Chính phủ Anh nhằm tôn vinh những dự án và hoạt động xuất sắc của Chương trình Newton. Việt Nam là một trong bốn nước đối tác tham gia vào đợt tuyển chọn đầu tiên (năm 2017). Giải thưởng được xét tuyển bởi một hội đồng độc lập đứng đầu là nhà khoa học Anh đạt giải Nobel năm 2009 Venkatraman Ramakrishnan. Sau vòng sơ loại, đã có 5 dự án/hoạt động thuộc Chương trình Newton Việt Nam được chọn vào vòng cạnh tranh cuối cùng gồm: Dự án “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: ''Xã hội kết nối'' cho thành phố của tương lai”; Dự án “Nghiên cứu phát triển các nguồn gen lúa thích ứng với biến đổi khí hậu”; Dự án “Nghiên cứu chế tạo siêu vật liệu metamaterials tần số THz và quang tử chức năng bằng phương pháp in 3D”; Dự án “Hợp tác Vương quốc Anh - Việt Nam về đổi mới công nghệ số nhằm phát triển vững chắc hệ thống logistics hàng hải Việt Nam”; Dự án “Phương pháp tiếp cận giảm thiểu rủi ro thiên tai bằng biện pháp phi kỹ thuật: Nghiên cứu điển hình về quản lý lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh
Theo Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm phát triển KH&CN, coi KH&CN là động lực phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành KH&CN Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Một số lĩnh vực KH&CN của Việt Nam đã đạt trình độ khu vực và tiệm cận với trình độ thế giới.
Hợp tác trong lĩnh vực KH&CN giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có nhiều chuyển biến kể từ chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 3/2008 và đặc biệt được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010.
Ngày 03/6/2015, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len đã ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Chương trình Newton Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác nghiên cứu chung, tăng cường năng lực cho các nhà khoa học, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các thách thức chính của Việt Nam.
Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever nhấn mạnh: "Hợp tác quốc tế với sự đa dạng về ý tưởng, quan điểm và cách làm hay có vai trò quan trọng trong nghiên cứu và sáng tạo. Là một nền kinh tế năng động đang lên với tầm nhìn mạnh mẽ về tầm quan trọng của khoa học và đổi mới trong phát triển con người, Việt Nam là đối tác tất nhiên cho Quỹ Newton toàn cầu của Vương quốc Anh. Bằng cách làm việc cùng nhau và khai thác thế mạnh của nhau, chúng ta có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta làm được một mình. Tôi mong chờ những cơ hội mới ở phía trước và một tương lai tươi sáng cho Quỹ Newton Việt Nam"
(Nguồn:http://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trao-giai-thuong-newton-viet-nam-cho-du-an-nghien-cuu-xuat-sac-20171116143232339.htm)