English

Nghiên cứu

Hội thảo Tác động của Phong trào Duy Tân Đối với Lịch sử và Thời kỳ Đổi mới

Sáng ngày 4/6/2017, Hội thảo “Tác động của phong trào Duy Tân trong lịch sử và những gợi mở cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay” do Đại học Duy Tân phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã diễn ra tại số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự hội thảo có Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, TS. Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, TS. Nguyễn Tấn Thắng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cùng các học giả, nhà nghiên cứu đến từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Quảng Nam... và đông đảo giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Duy Tân.
 

 TS. Nguyễn Tấn Thắng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu tại Hội thảo

Xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, nhưng phải đến đầu thế kỷ 20, các khuynh hướng canh tân, cải tổ đất nước mới được nâng lên thành một phong trào thực thụ và phát triển sâu rộng vào trong đời sống quần chúng nhân dân Việt Nam. Trong đó, Quảng nam chính là nơi mở đầu và cũng là nơi các hoạt động duy tân diễn ra một cách sôi nổi và mạnh mẽ nhất. Hội thảo lần này không chỉ là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận và làm rõ hơn về tầm quan trọng của phong trào Duy Tân xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung, mà còn góp phần tri ân những nhà Nho có tinh thần khai sáng cho dân tộc trong tiến trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. 
 
 
 Ban Tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo
 
“Đây là năm thứ 2, Đại học Duy Tân được vinh dự tổ chức hội thảo khoa học về phong trào Duy Tân - phong trào mà Nhà trường đã lựa chọn để đặt tên cho ngôi trường tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung với niềm hãnh diện và tự hào. Phát huy truyền thống của phong trào Duy Tân xưa, Nhà trường luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, hợp tác quốc tế để mang các chương trình chất lượng nhất đến với sinh viên. Tổ chức Hội thảo hôm nay, Đại học Duy Tân mong muốn cùng tìm hiểu một cách sâu sắc hơn nữa tinh thần mà các Nho sĩ ngày xưa tạo dựng để trên nền tảng đó, Nhà trường tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đào tạo, định hướng và cung cấp cho xã hội những thế hệ sinh viên tốt nghiệp có tâm, có tài, luôn đổi mới sáng tạo trong học tập và làm việc với một tinh thần Duy Tân.” – Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Hội thảo có hơn 30 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu trên khắp mọi miền Tổ quốc. Căn cứ vào nội dung nghiên cứu, các tham luận được chia thành 3 chủ đề: Tiền đề lịch sử của phong trào Duy Tân (7 tham luận), Những nội dung cơ bản của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỉ 20 (8 tham luận) và Tác động của phong trào Duy Tân trong lịch sử và những gợi mở trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay (15 tham luận).

Tại Hội thảo, các tham luận tập trung khai thác, đánh giá một cách khoa học về tác động của phong trào Duy Tân trong lịch sử và trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Nhiều tham luận mang giá trị học thuật cao được trình bày tại Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của người nghe như: “Những yếu tố nội sinh của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ 20”  (PGS. TS. Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị khu vực III Đà Nẵng), “Bàn thêm câu chuyện Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” (ThS. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng), “Phong trào Duy Tân và cuộc đổi mới giáo dục ngày nay” (TS. Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương), “Từ mô hình ‘làng duy tân’ Phú Lâm, nghĩ đến việc xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Quảng Nam”  (TS. Ngô Văn Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã Hội Đại học Duy Tân), “Những gợi mở từ phong trào Duy Tân ở Quảng Nam đầu thế kỷ 20 đối với việc bồi dưỡng và phát huy sức dân trong công cuộc đổi mới hiện nay” (PGS.TS Hồ Tấn Sáng, Học viện Chính trị khu vực III Đà Nẵng), “Ảnh hưởng của phong trào Duy Tân Quảng Nam ở Việt Nam” (PGS. TS. Trương Công Huỳnh Kỳ, Đại học Sư phạm Huế). Các tham luận này không chỉ giúp người nghe hiểu rõ hơn về phong trào Duy Tân mà còn có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Có thể nói rằng với những nghiên cứu từ khái quát đến cụ thể như trên, buổi hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn học thuật đầy sôi nổi, lí thú và bổ ích.

(Truyền Thông)