Sáng ngày 6/6/2017, Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao - Đại học Duy Tân đã tổ chức seminar “Một số đề tài về Quang học & Quang phổ đang triển khai nghiên cứu tại Đại học Duy Tân” nhằm giới thiệu một số đề tài đang nghiên cứu trong lĩnh vực Quang học và Quang phổ. Báo cáo do GS. TSKH. Vũ Xuân Quang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao; nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), PGS.TS. Trần Thị Kim Anh và TS. Bùi Thế Huy trình bày. Tham dự buổi giới thiệu có sự tham dự của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh về Vật lý và Hóa học của Viện Nghiên Cứu & Phát Triển Công Nghệ Cao cùng các chuyên gia về Quang phổ đến từ Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam.
GS. TSKH Vũ Xuân Quang trình bày tóm tắt về các đề tài nghiên cứu
đã và đang được triển khai
Trong buổi seminar, GS. TSKH Vũ Xuân Quang đã tóm tắt ngắn gọn về những kết quả đạt được trong 5 năm qua tại phòng thí nghiệm, trong đó gồm có 20 bài ISI, 1 đề tài NAFOSTED, 2 luận án đã bảo vệ cơ sở, 3 luận án Tiến sĩ sẽ bảo vệ năm 2018 đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện một số đề tài về Quang học và Quang phổ gồm: “Triển khai nghiên cứu Quang phổ f-d (Eu2^+) - mô hình DORENBOS” (thực hiện trên mục tiêu công bố ISI) và “Tính chất quang của Fluoride Gadolinium pha RE”. Đây là hai đề tài nghiên cứu cơ bản đang triển khai rất thuận lợi nhờ nhận được hệ mẫu Eu2^+ và hệ thống mẫu Fluoride Gadolinium được cung cấp bởi các giáo sư nước ngoài trong quá trình hợp tác. Ngoài ra, Viện cũng đang xúc tiến mua máy móc thiết bị hiện đại từ Đan Mạch để triển khai nghiên cứu “Nhiệt huỳnh quang (TSL) và Huỳnh quang cưỡng bức quang (OSL)” rất có ý nghĩa khi ứng dụng trong đo liều và tính tuổi.
Cán bộ, giảng viên Đại học Duy Tân cùng các chuyên gia về Quang phổ đến từ
Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam tham dự seminar
Trong những ngày cuối tháng 5/2017, trong chuyến thăm và làm việc với Đại học Duy Tân, GS. G.Kawamura đã giới thiệu về các khả năng hợp tác giữa Đại học Toyohashi (Nhật Bản) và Đại học Duy Tân trong lĩnh vực công nghệ Nano và Quang phổ vật rắn trong thời gian 2017-2020. Dựa trên kế hoạch hợp tác lâu dài với GS. G.Kawamura, Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Cao đã và đang triển khai đề tài “Metal Nanoparticles” nhằm tăng cường độ nhạy của raman bằng đế nano kim loại với mục tiêu không chỉ tăng cường raman trong ứng dụng thực phẩm mà còn nghiên cứu chế tạo metal nanoparticles với nhiều ứng dụng khác nhau.
Trong buổi seminar, GS.TSKH Vũ Xuân Quang chia sẻ: “Được lắp đặt các thiết bị hiện đại như máy raman, máy huỳnh quang và sắp tới đây là hệ thống nhiệt huỳnh quang và quang cưỡng bức, tôi khẳng định Phòng Thí nghiệm Quang phổ của Đại học Duy Tân hiện nay được trang bị các thiết bị nghiên cứu tốt nhất và chúng tôi hoan nghênh tất cả mọi người cùng đến “khai thác”, phát huy vai trò của Phòng Thí nghiệm Quang phổ này qua việc trình bày ý tưởng và đem mẫu đến đo đạc với chúng tôi để tìm ra kết quả Vật lí mới.”
(Truyền Thông)