Sáng ngày 29/8/2016, Trung tâm Sinh học Phân tử Đại học Duy Tân đã tổ chức Seminar “Phân tích biểu hiện khác biệt của tập hợp các gen GmNAC chịu hạn của cây Đậu tương Việt Nam” tại số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng. Tham dự có PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo - Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Sinh học Phân tử Đại học Duy Tân, các Tiến sĩ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao cùng nhiều cán bộ, giảng viên nhà trường.
PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo hiện đang công tác tại Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Trong 10 năm làm khoa học, cô đã công bố số lượng lớn các công trình nghiên cứu, trong đó có hơn 20 công trình được đăng tải tại các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế. Hai tạp chí Sinh lý Thực vật (Plant Physiology) và Tế bào Thực vật (The Plant Cell) cũng đã đăng tải các bài báo chất lượng của PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo với chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) cao nhất trong khối tạp chí về thực vật.
PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo giới thiệu về đề tài nghiên cứu của cô và cộng sự
Tại buổi Seminar, PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo đã giới thiệu đề tài “Phân tích biểu hiện khác biệt của tập hợp các gen GmNAC chịu hạn của cây Đậu tương Việt Nam”. Các nghiên cứu cho thấy rằng, trong môi trường hạn hán, các cây trồng sẽ có biểu hiện hoặc thay đổi các đặc tính sinh lý thông qua các gen điều hòa và chức năng liên quan nhằm tăng cường tính chịu hạn. Một trong số các họ gen đã được khảo sát là NAC - họ gen mã hóa cho các protein là các nhân tố phiên mã có vai trò điều hòa sự hoạt hóa phiên mã trong quá trình phát triển rễ phụ, tăng trưởng, héo rũ và đáp ứng với stress môi trường.
Trong quá trình nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo và các đồng nghiệp đã so sánh quá trình phát triển của giống cây Đậu tương chịu hạn và cây Đậu tương mẫn cảm để tìm ra ưu điểm vượt trội. Điều này có ý nghĩa trong việc ứng dụng tạo giống cây Đậu tương chịu hạn bằng công nghệ gen cũng như hướng tới các nghiên cứu xa hơn khi tạo ra các cây trồng chịu hạn trong tương lai.
PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo chụp hình lưu niệm
cùng các Tiến sĩ của Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao, Đại học Duy Tân
Tại buổi trao đổi, PGS. TS Nguyễn Phương Thảo cùng các Tiến sĩ của Trung tâm Sinh học Phân tử đã cùng trao đổi, tìm tiếng nói chung trong các nghiên cứu về thực vật, chia sẻ các hướng nghiên cứu mới và những dự định hợp tác trong tương lai.
PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo cho biết: “Đậu tương là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế hàng đầu trên thế giới. Đậu tương chứa hàm lượng lớn dầu thực vật, protein, các yếu tố đa lượng và các thành phần khoáng có lợi cho sức khỏe con người như hàm lượng thấp cholesterol, ngăn chặn các bệnh tiểu đường, ung thư và béo phì. Tuy nhiên, đậu tương là một trong những giống cây trồng chịu hạn kém, năng suất của chúng có thể bị giảm tới 40% bởi các tác nhân của môi trường, đặc biệt là hạn hán. Hi vọng những nghiên cứu của chúng tôi là một trong những biện pháp hữu ích trong việc tăng cường tính chịu hạn ở đậu tương bằng công nghệ gen.”
(Truyền Thông)