Sáng 17/11/2015, Đại học Duy Tân phối hợp với Hội Vật lý Việt Nam tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ III về Quang phổ và Khoa học Vật liệu năm 2015. Hội nghị có sự tham dự của 15 nhà khoa học đến từ 8 quốc gia gồm Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Trung Quốc, Bỉ, Lào và đông đảo các nhà khoa học đến từ các trường Đại học và Viện Nghiên cứu của Việt Nam.
GS. TSKH. Vũ Xuân Quang phát biểu tại Hội nghị
GS. TSKH. Vũ Xuân Quang - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị: “Cách đây 18 năm, Hội nghị về Quang phổ Dao động lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam xuất phát từ ý tưởng của các nhà khoa học đến từ CNRS Pháp và VAST. Sau đó các Hội nghị này thường xuyên diễn ra tại các thành phố và từ năm 2012, Hội nghị này được tổ chức tại Tp. Đà Nẵng xinh đẹp dưới sự tài trợ chính của Đại học Duy Tân. Đây là lần thứ 3 Hội nghị được tổ chức dưới sự phối hợp của Đại học Duy Tân và Hội Vật lý Việt Nam nhằm mở rộng nghiên cứu một cách sâu rộng vào nhiều chủ đề của lĩnh vực Quang phổ và Khoa học Vật liệu cũng như mở rộng hợp tác quốc tế. Đại học Duy Tân rất vui khi đón tiếp những nhà khoa học đầu ngành trong nghiên cứu Quang phổ và Khoa học Vật liệu trong và ngoài nước đến tham dự Hội nghị. Sự cộng tác và tham gia tích cực của các Giáo sư, Tiến sĩ chính là yếu tố quan trọng hàng đầu mang đến sự thành công cho Hội nghị.”
GS. TS. Masayuki Nogami phát biểu tại Hội nghị
Đến từ Nhật Bản, GS. TS. Masayuki Nogami - Viện Kỹ thuật Nagoya kiêm Chủ tịch Hội Sol-Gel Nhật Bản chia sẻ những hiệu quả trong khoảng thời gian 10 năm hợp tác nghiên cứu với GS. TSKH. Vũ Xuân Quang. GS. Masayuki Nogami rất vui bởi Hội nghị Quốc tế lần thứ III về Quang phổ và Khoa học Vật liệu năm 2015 sẽ là cơ hội để các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất của cộng đồng khoa học quốc tế về lĩnh vực Quang phổ và Khoa học Vật liệu, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các trường Đại học và các Viện Nghiên cứu của Việt Nam và Cộng đồng Khoa học Quốc tế.
Với 34 tham luận, các đại biểu khách mời đã báo cáo và thảo luận sâu các lĩnh vực gồm Quang phổ trong Sinh học, Dược học, Ngọc học, Khảo cổ và Nhiệt huỳnh quang; Các ứng dụng mới của Quang phổ; Quang phổ của các vật liệu nanô; Quang phổ ứng dụng trong môi trường; Quang trắc học và thông tin lượng tử…
(Truyền Thông)