Không chỉ có giải Nhì học sinh giỏi quốc gia lĩnh vực Khoa học Máy tính vào tháng 3.2015, hành trang Lê Nhật Hưng mang theo khi đăng ký tuyển thẳng vào Đại học (ĐH) Duy Tân còn là bộ sưu tập đồ sộ các giải thưởng cấp thành phố, cấp quốc gia, trong các cuộc thi của tập đoàn Intel, Google,…
Cơ duyên gặp gỡ và được hướng dẫn bởi giảng viên Duy Tân cũng như Nguyễn Trần Viết Chương- một sinh viên ĐH Duy Tân từng gây tiếng vang với Huy chương Bạc Cuộc thi Sáng tạo Trẻ châu Á (dành cho “Phần mềm chặn web đen iKID”), Nhất Hưng đã nhận thấy hiệu quả từ một môi trường đào tạo có chất lượng và quyết định lựa chọn ĐH Duy Tân để khởi đầu một hành trình học tập ĐH tới đây.
Hiện thực hóa đam mê bằng những giải thưởng giá trị…
Màn hình máy tính bất ngờ tối thui rồi liên tục khởi động lại khiến Nhật Hưng vừa lo lắng vừa tò mò không biết trong cái “cục” to uỵch dưới chân bàn kia có chứa gì và cấu tạo như thế nào. Vậy là cậu học trò nhỏ quyết định tháo tung CPU ra để “chọc ngoáy”. Chỉ trong chưa đầy 1 năm, cậu đã làm “nát tươm” đến 3 cái CPU mà kiến thức thu về không đáng là bao do chỉ tự ý mày mò. Với Nhật Hưng, những ký ức tuổi thơ như vậy thật hài hước nhưng lại có nhiều ý nghĩa khởi đầu cho những đam mê khám phá máy tính của bản thân.
Lê Nhật Hưng tại ĐH Duy Tân
|
Dường như có một chút duyên ngầm với chàng trai Đà Nẵng đang học lớp 12 này khi em thường xuyên gặp gỡ và được hỗ trợ nhiều bởi các anh chị là sinh viên các trường đại học từng đoạt giải cao trong các kỳ thi tin học trong nước và quốc tế. Nhật Hưng chia sẻ: “Em đã quen rất nhiều anh sinh viên IT học giỏi của ĐH Duy Tân, trong đó có anh Nguyễn Mạnh Tuấn - giải Ba cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2014, anh Nguyễn Trần Viết Chương - Huy chương Bạc tại cuộc thi Sáng tạo Trẻ châu Á, giải Nhất tại hội thi Phần mềm Sáng tạo Tin học trẻ TP.Đà Nẵng và giải Ba tại cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2013… Ngay khi biết em say mê nghiên cứu máy tính, các anh đã hướng dẫn rất tận tình về lập trình, về cấu tạo máy tính giúp em có được sự tự tin khi tham gia các cuộc thi lớn. Em cũng rất vui khi biết các anh có việc làm ngay từ khi còn đi học. Điều này đã khích lệ những người yêu thích Công nghệ Thông tin như em tự tin lựa chọn ĐH Duy Tân làm điểm đến cho quãng đời ĐH.”
Những kinh nghiệm quý tích lũy được trong suốt thời gian qua đã giúp Nhật Hưng giành được nhiều giải thưởng lớn. Tiêu biểu là giải Nhì hội thi Tin học Trẻ cấp thành phố năm 2014, giải Ba học sinh giỏi cấp thành phố môn tin học năm 2014, giải Nhì cuộc thi VISEF 2015 do Intel tổ chức… Và mới đây nhất, Nhật Hưng đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015. Niềm đam mê được hiện thực hóa bằng chính những giải thưởng giá trị đã giúp Nhật Hưng kiên định trên hành trình mình đã chọn với mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển công nghệ thông tin của đất nước.
Tìm đến ĐH Duy Tân cho một ước mơ lớn về Khoa học Máy tính
Đến với ĐH Duy Tân ngay từ khi còn học THPT và được sự tận tình hướng dẫn của các giảng viên Duy Tân, Nhật Hưng đã có được một nền tảng kiến thức vững chắc. Miệt mài với những giờ lập trình, hàn xì, vẽ bo mạch, lắp ráp thiết bị… Nhật Hưng đã nhanh chóng “trưởng thành” và phát huy để đạt giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia lĩnh vực Khoa học Máy tính. Nhật Hưng cũng đã tham gia nhiều vào các nghiên cứu khoa học của trường như các dự án Hệ thống Chấm thi Lập trình và Trắc nghiệm, Phần mềm Quản lý và Xử lý Phương tiện Vi phạm An toàn Giao thông, Hệ thống Đèn tín hiệu Giao thông Thông minh.
Sinh viên Nguyễn Trần Viết Chương trực tiếp hướng dẫn Nhật Hưng cho biết: “Đã quen biết Nhật Hưng từ trước đó và đến bây giờ, em vẫn hướng dẫn cho Hưng học một số ngôn ngữ lập trình, tiếp xúc với các mô hình dự án nhỏ thông qua các kỳ thi cấp Thành phố, Quốc gia. Hưng rất đam mê Công nghệ Thông tin và Điện tử, lại có sự đầu tư về thời gian cho đam mê của mình bởi vậy việc chọn học ngành Công nghệ Phần mềm chuẩn CMU (Carnegie Mellon) của ĐH Duy Tân là rất phù hợp. Đã theo học ở Duy Tân 2 năm, em cảm nhận đây là một môi trường học tập rất tốt, luôn đặt quyền lợi của sinh viên lên hàng đầu cũng như thoải mái trong đối thoại với sinh viên.”