Từ một làng chài nhỏ và nghèo khó, Lý Quang Diệu đã đưa Singapore trở thành một trong những “con rồng châu Á” mạnh nhất với mức GDP đầu người luôn đứng ở Top 5 trên thế giới. Ngoài bản lĩnh và trí thông minh thiên bẩm, Lý Quang Diệu xứng đáng với danh hiệu “người khổng lồ” của châu Á với sự táo bạo và quyết đoán trong từng chính sách cụ thể để đưa đất nước Singapore phát triển, là niềm mơ ước của nhiều quốc gia. Thành công của Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu trong quá trình lập và phát triển đất nước trở thành bài học giá trị cho nhiều quốc gia cũng như từng đơn vị sự nghiệp thuộc mọi lĩnh vực của xã hội. Để bài học đó được hiểu một cách thấu đáo và ngày càng lan tỏa trong hoạt động giáo dục, Đại học Duy Tân đã tổ chức Hội thảo “Singapore và Lý Quang Diệu, Duy Tân học được gì?” vào sáng 20/4/2015 với sự tham dự của đông đảo cán bộ, giảng viên Duy Tân.
Hợp tác quốc tế và Trọng dụng nhân tài
Cô đọng và súc tích, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã giới thiệu một cách khái quát nhất về Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng như đất nước Singapore trong vòng nửa thế kỷ qua. Lý Quang Diệu là một nhân vật được ngưỡng mộ và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Dưới sự dẫn dắt của ông, một quốc đảo rộng chưa đầy 700 km2 với dân số khoảng 5,4 triệu người và hoàn toàn không có tài nguyên khoáng sản và nước ngọt, sau 40 năm trở thành một quốc gia phát triển với GDP đạt 120 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là trên 60.000 USD/năm (số liệu năm 2013). Người dân Singapore đang hưởng thụ mức sống ngang bằng với người Nhật Bản và các nước tiên tiến ở châu Âu, Bắc Mỹ.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh phát biểu tại Hội thảo
“Để có được thành công đó, Lý Quang Diệu đã áp dụng rất nhiều chiến lược để phát triển đất nước, trong đó có chính sách đối ngoại với tầm nhìn rộng và sâu về thế giới; biết ứng phó và giải quyết vấn đề khi không thành công, luôn trau dồi học vấn, kiên định với lựa chọn, cứng rắn trong công việc nhưng luôn tình cảm trong đời sống; chống tham nhũng và chính sách tạo nguồn, nuôi dưỡng, thu hút nhân tài. Phần nào có những nét tương đồng trong xuất phát điểm cũng như nỗ lực xây dựng thương hiệu uy tín như Lý Quang Diệu xây dựng Singapore, 20 năm qua, Đại học Duy Tân đã thực hiện nhiều chính sách để phát triển thành một đại học vững mạnh. Trong đó, Duy Tân đã “bắt mạch” được thời đại để hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo. Những đại học nổi tiếng của Mỹ, Anh Quốc hợp tác chặt chẽ với Duy Tân đã mang đến một sức mạnh mới để Nhà trường tạo ra những bước đột phát trong tương lai.” - PGS. TS. Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ.
Cũng ở góc nhìn đó, GS. TSKH. Vũ Xuân Quang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao Đại học Duy Tân khẳng định: Ngoài sự nhạy bén và sắc sảo trong việc xử lý từng vấn đề cụ thể để giúp đất nước lớn mạnh, đẩy lùi tham nhũng và hài hòa sắc tộc, Lý Quang Diệu luôn đặt vấn đề tạo ra sự khác biệt cho mọi hướng phát triển của Singapore. Từ việc phát triển kinh tế, tạo dựng môi trường sống lành mạnh trong sạch đến mang đến một nền tảng sức khỏe tốt cho người dân. Đặc biệt, Lý Quang Diệu thực sự quan tâm đến vấn đề tồn vong của đất nước, từ đó hợp tác với các quốc gia có xu hướng chính trị tương đồng, có tiềm lực quân sự và kinh tế để tăng sức mạnh nội lực cũng như tranh thủ sự ủng hộ từ quốc tế.
ThS. Trần Hồng Phong chia sẻ những nghiên cứu
về Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu tại Hội thảo
Được mệnh danh là “Con Mãnh sư không chỉ của Đông Nam Á”, mỗi khía cạnh trong cuộc đời của Lý Quang Diệu đều mang đến cho con người cảm xúc cùng những nhận định riêng. Ở một góc nhìn khác, ThS. Trần Hồng Phong - Trưởng Khoa Lý luận Chính trị Đại học Duy Tân đã tìm hiểu sâu về phương pháp “chống thù trong giặc ngoài” của cha đẻ đất nước Singapore. Lý Quang Diệu đã thấu đáo khi tạo ra một cơ chế đặc biệt “đánh” vào kinh tế, cho phép điều tra không có vùng cấm để chặn “ngòi tham nhũng” từ trong trứng nước cũng như xây dựng một hệ thống phòng thủ hiện đại nhất với sự hỗ trợ của các nước phát triển để bảo vệ người dân.
TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã nhìn nhận sâu sắc về chiến lược của Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, khi đặt Singapore tại mỗi giai đoạn phát triển sẽ tập trung toàn lực để giải quyết thành công một mục tiêu cụ thể. Từ việc tạo ra tiếng vang với một Cảng biển hàng hải lớn mạnh, Singapore nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu tiếp theo khi trở thành trung tâm Giáo dục Đông Nam Á, trung tâm Tài chính của Đông Nam Á sau đó là trung tâm Giải trí và hướng tới một trung tâm Du lịch và Y tế của vùng. Để thực hiện tốt các mục tiêu đó, Lý Quang Diệu đã đưa ra những cơ chế với chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới đến Singapore. Giống như Singapore, Đại học Duy Tân cũng đặt ra từng mục tiêu cụ thể phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển để thu về những kết quả tốt nhất. Hiện tại, Đại học Duy Tân triển khai hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với việc hợp tác với các đại học mạnh tại Mỹ, Anh Quốc, Singapore… để tiếp nhận chương trình đào tạo và đưa sinh viên ra nước ngoài du học, Duy Tân có chính sách thu hút nhân tài là những giáo sư, tiến sĩ tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Canada, Hàn Quốc, Vương quốc Bỉ… về làm việc tại trường. Xây dựng được đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy giỏi sẽ là nền tảng vững chắc để Duy Tân hoàn thành tốt mục tiêu hiện tại và hướng đến những mục tiêu với tầm nhìn rộng hơn.
Giáo dục và Sự quan tâm đến con người
“Muốn đột phá dân tộc thì phải đột phá giáo dục.” - TS. Đoàn Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đại học Duy Tân đã nhấn mạnh sau khi nghiên cứu sâu rộng về chân dung của Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Cha đẻ của Singapore đã thực hiện rất hiệu quả vấn đề này từ việc mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên, tạo ra các hướng phát triển cho Tân Cử nhân cũng như sẵn sàng bổ nhiệm nhân tài vào những vị trí cốt yếu của đất nước với mức lương đáng mơ ước. Chính Lý Quang Diệu đã mang đến niềm tin, khơi gợi khát vọng cho những trí thức trẻ tuổi để góp phần đột phá giáo dục và giúp đất nước Singapore chuyển mình lớn mạnh như hôm nay.
TS. Đoàn Hồng Lê phát biểu tại Hội thảo
TS. Phan Ngọc Thu - Phó Hiệu Trưởng, Tổng Biên Tập Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Duy Tân nhận định: “Là một nhà khổng giáo cấp tiến, Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã kết hợp một cách hài hòa giữa triết học phương Tây và minh triết phương Đông trong quá trình điều hành đất nước. Dù có cách thức nghiên cứu và đánh giá khác nhau nhưng hai học thuyết đều đề cao vai trò của cá nhân, sự quan tâm đến con người. Con người phải biết mình bất toàn, bất túc nên không bao giờ bất tử để luôn rèn luyện và sống tốt hơn. 20 năm qua, Đại học Duy Tân cũng đã dành nhiều tâm huyết để quan tâm đến nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, giảng viên cũng như tạo dựng một niềm tin trên hành trình “trồng người”. Đây là một điều đáng trân trọng và cần phát huy hơn nữa của một đại học ngoài công lập hàng đầu ở khu vực miền Trung.”
Hội thảo khép lại với những tâm huyết của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân với lời phát biểu ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Không phải ngẫu nhiên mà Lễ tang quốc gia của Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu được cử hành tại Đại học Quốc gia Singapore. Đó chính là lời nhắn nhủ của Lý Quang Diệu với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh từ các trường đại học. Chính từ nơi đây, những con người kiệt suất cùng những công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn nhất đã ra đời. Bên cạnh đó, rất nhiều thống kê chỉ ra rằng, sinh viên giỏi nhất đang học tập và làm việc tại Singapore chính là người Việt Nam. Đây là bài học đắt giá cần phải suy ngẫm trong việc trọng dụng nhân tài của người Việt. Học tập từ Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, Đại học Duy Tân cũng đang nỗ lực hết mình trong công tác đào tạo cán bộ cũng như nâng cao chất lượng đào tạo. Một kỷ nguyên mới với những đổi thay và phát triển như vũ bão trong mọi lĩnh vực sẽ trở thành thách thức lớn lao cho những người hoạt động giáo dục, trong đó có Đại học Duy Tân. Tuy nhiên, với những thành công nhất định trong suốt hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Đại học Duy Tân sẽ luôn nỗ lực với khẩu hiệu “Giấc mơ Duy Tân: Hợp tác quốc tế, Nâng tầm Trí tuệ, Vươn tới Tương lai, Sánh vai Toàn cầu” vì một đại học tốt đẹp hơn trong tương lai.”
(Truyền Thông)