English

Nghiên cứu

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học với Nhóm Nghiên cứu Truyền thông đa phương tiện

Sáng 13/07/2012, Nhóm Nghiên cứu Truyền thông đa phương tiện mang tên CEMC, do nhà giáo Lê Công Cơ - Quyền Hiệu trưởng Đại học Duy Tân quyết định thành lập, đã có buổi lễ ra mắt tại phòng 702 - K7/25 Quang Trung (Đà Nẵng). Lễ ra mắt được đông đảo cán bộ, giảng viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Khoa Đào tạo Quốc tế, Khoa Điện tử Viễn thông tham gia. Sự ra đời của nhóm là một hoạt động có tính chiến lược trong việc hiện thực hóa triết lí giáo dục "Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm lấy nhân văn làm nền tảng" mà nhà trường đã đề ra.

Truyền thông đa phương tiện là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí. Ngày nay, các sản phẩm của truyền thông đa phương tiện được sử dụng phổ biến và đã trở thành những công cụ hỗ trợ thiết yếu ở mọi mặt đời sống con người. Chính vì tính cần thiết ngay cả trong hiện tại và tương lai đó, Đại học Duy Tân đã lựa chọn lĩnh vực Truyền thông đa phương tiện để vạch kế hoạch chiến lược cho sự phát triển nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học ứng dụng của nhà trường.
 
 
 TS. Dương Quang Trung thuyết trình tại buổi lễ
 
Được biết, số lượng thành viên ban đầu của Nhóm gồm 5 người đến từ nhiều cơ sở giáo dục khác nhau, có trình độ và năng lực chuyên môn vững, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo khoa học, nhiều cuốn sách giá trị. Đáng chú ý, hầu hết các cá nhân nói trên đều đang là thành viên của một số tổ chức khoa học có uy tín trong và ngoài nước. Với tiềm năng lớn về nhân lực, trí tuệ như trên cộng với sự đầu tư mạnh dạn của Ban Giám hiệu nhà trường, Nhóm nghiên cứu Truyền thông đa phương tiện CEMC - Đại học Duy Tân đang có một nền móng vững chắc hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai.
 
Trước niềm vui, niềm hi vọng mới mở ra này, nhà giáo Lê Công Cơ thân tình nhắn nhủ: “Nhóm là sự kết hợp trí tuệ của nhiều cá nhân đến từ nhiều cơ sở giáo dục khác nhau. Đây vừa là thuận lợi, cũng vừa là khó khăn cho quá trình nghiên cứu, làm việc. Nhưng tôi hy vọng, Nhóm sẽ phát huy nội lực, đồng thời liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Đại học Duy Tân) phát triển mạnh mẽ, không chỉ hợp tác trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế”.
 
(Ban Biên Tập Website)