(Cadn.com.vn)-Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội, của doanh nghiệp (DN) là một yêu cầu bức thiết nhằm tạo ra những người lao động có chất lượng và giảm chi phí, thời gian cho DN tuyển dụng. Thế nhưng hiện nay, nhiều SV khi ra trường vẫn khó kiếm được việc làm hoặc khi đã kiếm được việc làm thì DN tuyển dụng buộc phải đào tạo lại. Để tìm ra những giải pháp phù hợp, vừa có lợi cho SV khi ra trường vừa giảm bớt thời gian, tiền của cho DN khi tuyển dụng, Trường Đại học (ĐH) Duy Tân vừa có buổi hội thảo về vấn đề này.
"Chúng ta đang lãng phí"
Theo đánh giá, hiện nay đang có một nghịch lý là trong khi lượng SV tốt nghiệp ĐH chưa có việc làm ngày càng tăng nhưng việc tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của các DN ngày càng khó hơn. Trong khi đó, một SV giỏi khi ra trường cũng phải mất từ 6 tháng đến vài năm mới thực sự tiếp cận công việc, bởi thực tế từ trước đến nay, về cơ bản các trường ĐH và chuyên nghiệp chỉ đào tạo “cái mình có” theo chương trình chứ chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường, nhu cầu từng ngành nghề mà DN cần.
Vì vậy, nhiều SV khi ra trường còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp, lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế, yếu kém về ngoại ngữ nhất là ngoại ngữ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực làm việc, vì vậy, phần lớn SV ra trường được tuyển dụng vào DN đều phải đào tạo lại từ đầu. Bà Phan Thị Bình Minh- đại diện đến từ Khu nghỉ mát Quốc tế The Nam Hai cho rằng: “Chúng tôi ý thức và tin rằng con người chính là yếu tố quyết định đưa đến thành công của DN.
Vì vậy, tuyển dụng luôn là khâu được chúng tôi đặt lên hàng đầu trong mọi quy trình. Dĩ nhiên, chúng tôi cần những con người giỏi, nhưng trên hết, chúng tôi cần những con người có tố chất phù hợp. Đó là sự nhiệt tình, có hoài bão, năng động, hòa đồng và giỏi ngoại ngữ”. Với những yêu cầu khắt khe và chuyên biệt về dịch vụ, phần lớn các nhân viên đã có kinh nghiệm trước đó hay không, khi gia nhập vào Nam Hải đều phải được đào tạo lại từ đầu.
Bà Minh thẳng thắn: “Tôi thiết nghĩ hiện nay có một thực trạng vô cùng mâu thuẫn là: chúng tôi-các DN luôn trong tình trạng cần lao động trong khi đó hằng năm cũng có hàng ngàn lao động được đào tạo ra nhưng không biết đi về đâu. Rõ ràng chúng ta đang lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc khi đào tạo không hiệu quả và không có mục đích cụ thể”.
Ông Văn Hữu Thiết-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho rằng, liên quan đến vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội, đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo, nhiều kết luận có sức nặng thực tiễn, thậm chí còn gay gắt về tính cấp bách và sự xích lại gần nhau giữa nhà trường và DN. Tuy nhiên, thời gian dài vừa qua, các DN đã thiếu chủ động về việc thiết lập quan hệ đối với các cơ sở đào tạo, trường ĐH... Trong khi đó, theo thống kê, TP Đà Nẵng hiện có 52 trường ĐH, CĐ, TC và trung tâm dạy nghề và có gần 12.000 DN nhỏ và vừa, gần 70.000 hộ kinh doanh cá thể, khối này đóng góp gần 50% GDP, giải quyết hơn 80% việc làm mới.
|
Các bạn SV mới ra trường tham gia một buổi tuyển dụng. Ảnh: A.T
|
Cần cái bắt tay giữa nhà trường-doanh nghiệp
* Tại Hội thảo, Ban Giám hiệu Trường ĐH Duy Tân đã ký cam kết hợp tác giữa trường và Hội DN nhỏ và vừa TP Đà Nẵng.
Theo thảo thuận ký kết, Hội DN nhỏ và vừa sẽ góp ý cho chương trình đào tạo tại Trường Duy Tân, đề xuất hướng nghiên cứu, tiếp nhận SV thực tập, cung cấp các tài liệu có liên quan nhằm giúp SV hoàn thành chuyên đề trong thời gian thực tập tại DN.
Ngoài ra, đại diện các DN sẽ tham gia giảng dạy tại ĐH Duy Tân và thông báo những thông tin tuyển dụng mới nhất để ĐH Duy Tân cung cấp cho SV đang học tại trường. ĐH Duy Tân có trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn và mở các khóa đào tạo cho DN khi có nhu cầu.
|
Để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội, DN đòi hỏi nhà trường phải có những chuẩn bị nhất định. Bên cạnh đó phải có sự phối hợp, giúp đỡ chặt chẽ từ phía DN. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa nhà trường và DN không thể diễn ra đơn phương, nhất thời, khô cứng, hình thức và tự phát.
Thời gian qua đã có rất nhiều “cái bắt tay” giữa nhà trường và DN trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, DN. Tuy nhiên, sự chủ động phối hợp tham gia của DN, đơn vị sử dụng lao động vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực “đủ tiêu chuẩn” còn rất hạn chế. Điển hình nhất là việc thiếu quan tâm của DN, đơn vị sử dụng lao động đến việc thực hành, thực tập của SV.
Tại Hội thảo, thạc sĩ Phan Văn Sơn-Trưởng phòng Đào tạo nghề-Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng chỉ ra 5 mâu thuẫn lớn giữa việc đào tạo và tuyển dụng. Trong đó, nhấn mạnh về phía quản lý Nhà nước, những năm qua các DN chưa “mặn mà” trong việc tham gia quá trình đào tạo nhưng lại đòi hỏi nhân viên, người lao động phải đáp ứng được yêu cầu của họ ngay khi mới ra trường. Trong khi đó nhà trường lại dạy nhiều môn không cần thiết. Ông Sơn cho rằng nên chăng cần có một điều khoản nào đó trong Luật Giáo dục quy định rõ nhiệm vụ của nhà trường và DN trong việc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Có như vậy, chúng ta mới đào tạo ra được những người lao động đủ tiêu chuẩn mà DN yêu cầu, giảm được thời gian, công sức và chi phí khi phải đào tạo lại.
Anh Tuấn