Sáng ngày 12/3/2018, Lễ Khai mạc Hội nghị Thường niên CDIO vùng Châu Á do Đại học Duy Tân đăng cai tổ chức đã diễn ra tại Khách sạn Novotel Danang Premier Han River, Tp. Đà Nẵng. Trong suốt 3 ngày diễn ra từ 12 - 14/3/2018, Đại học Duy Tân đã đón tiếp hơn 200 đại biểu là các chuyên gia và diễn giả nổi tiếng đến từ 55 trường đại học trên thế giới đến chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình đào tạo kỹ sư thông qua các tham luận tiêu biểu. Ngay trong thời điểm tổ chức Hội nghị, Cuộc thi CDIO Academy 2018 đã thu hút đông đảo sinh viên quốc tế đến trình diễn sản phẩm và tranh tài tại Đại học Duy Tân, số 3 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng.
TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Đại học Duy Tân rất vinh dự khi đăng cai tổ chức Hội nghị CDIO vùng Châu Á năm 2018. Chúng tôi hi vọng Hội nghị CDIO vùng Châu Á 2018 sẽ là cơ hội để các thành viên CDIO trong khu vực có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu trong việc đưa công cuộc đào tạo kỹ sư lên tầm cao mới. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội dành cho các sinh viên ngành kỹ thuật đến từ các trường đại học trong khu vực tham gia giao lưu và trưng bày những dự án sản phẩm sáng tạo.”
Khởi nguồn vào năm 2000 từ Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Hoa Kỳ), CDIO được biết đến là một quy trình đào tạo chuẩn, căn cứ vào yêu cầu đầu ra (outcome-based) để thiết kế các định chế đầu vào, môi trường học tập, phương pháp giảng dạy,... Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic về phương pháp tổng thể mang tính phổ cập có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực giáo dục và đào tạo khác nhau. Cách tiếp cận CDIO hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C - D - I - O) và có ý thức trách nhiệm với xã hội.
Các diễn giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm
trong quá trình đào tạo kỹ sư
Sự ưu việt khi đào tạo theo mô hình CDIO đã thu hút đông đảo các trường đại học trên thế giới tham gia. Hiện tại, Hiệp hội CDIO thế giới có trên 100 thành viên là các trường đại học kỹ thuật uy tín hàng đầu. Hiệp hội CDIO Khu vực châu Á hiện có 28 thành viên. Riêng tại Việt Nam, có 5 trường đại học là thành viên của hiệp hội danh giá này, bao gồm Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân (trường đại học đầu tiên của khối trường ngoài công lập - và là trường thứ 2 tại Việt Nam được kết nạp), Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Đà Lạt và Đại học FPT (được kết nạp tại Hội nghị CDIO vùng châu Á vào tháng 3/2017).
Hội nghị CDIO vùng Châu Á năm 2018 do Đại học Duy Tân đăng cai tổ chức đã thu hút 55 trường đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự như: Việt Nam, Canada, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Kuwait, Philippines, Đài Loan, Singapore. 13 diễn giả đã có những tham luận thiết thực để cập đến vấn đề đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật. Tiêu biểu trong số đó là báo cáo: “Xác lập Chuẩn đầu ra trong Cải cách giảng dạy khối ngành Kỹ thuật” của GS. TS. Ron Hugo - Chủ tịch Sáng tạo Đào tạo Kỹ sư, Trường Schulich School of Engineering, Đại học Calgary Canada; “Tính khả dụng trong giảng dạy Tư duy thiết kế cho sinh viên khối ngành Kỹ thuật” của TS. Jolanda Tromp - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng & Mô hình hóa Đại học Duy Tân; “CDIO Thái Lan - Phát triển Chất lượng mạng lưới Cộng đồng Sư phạm” của PGS.TS. Natha Kuptasthien - Trưởng Phòng Công nghệ, Khoa Công nghệ, Đại học Công nghệ Rajamangala tạiThanyaburi (RMUTT) Thái Lan; “Trí tuệ nhân tạo và Học máy” của GS. Bernald Merialdo, Viện Eurecom, Pháp;…
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị,
Hiệu trưởng Đại học Duy Tân trao giải Nhất cho đội thi đến từ trường Singapore Polytechnic
trong Cuộc thi CDIO Academy 2018
Song hành với Hội nghị, Cuộc thi CDIO Academy 2018 diễn ra thực sự sôi động với sự tham gia của 41 sinh viên (gồm 18 sinh viên nước ngoài và 23 sinh viên Việt Nam) thuộc 16 đội tuyển. Các sản phẩm giới thiệu tại Cuộc thi là kết quả của quá trình học tập theo mô hình đào tạo CDIO của các đại học trên khắp vùng Châu Á. Kết thúc Cuộc thi, giải Nhất đã thuộc về sản phẩm “Theo dõi bệnh nhân mất trí nhớ sử dụng Sigfox (công nghệ LWPAN) (Dementia Patient Tracking using Sigfox (a LWPAN technology) đến từ trường Singapore Polytechnic, giải Nhì thuộc về sản phẩm “Thiết bị theo dõi sử dụng Công nghệ Truyền thông Công suất cực thấp” (Wearable tracker using Ultra Low Power communication technologies) đến từ trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Giải Ba thuộc về sản phẩm “Sử dụng Mô hình: Hình thành ý tưởng - Triển khai - Thực hiện - Vận hành (CDIO) trong Đồ án Capstone chuyên ngành Cơ khí” (Utilisation of The Conceive-Design-Implement-Operate Framework in a Mechanical Engineering Capstone Project) của trường Đại học Taylor’s, Malaysia.
Lễ Bế mạc Hội nghị Thường niên CDIO vùng Châu Á năm 2018 được tổ chức trong niềm hân hoan khi các đội tuyển dự thi lên nhận giải thưởng đã kết lại một hoạt động thực sự ý nghĩa góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo CDIO và mở ra cơ hội kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm rộng lớn hơn giữa các trường đại học đang đào tạo và thực sự quan tâm tới mô hình CDIO.
(Truyền Thông)